info@cbilaw.vn
+ (84) 028 3979 8855

Tiền ảo là gì? Những điều cần biết mới nhất

Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã kéo theo sự bùng nổ của các loại tiền điện tử, tiền ảo… trong khi đó, cơ quan quản lý của hầu hết các nước đều khá lúng túng và khó khăn trong việc xây dựng khung khổ pháp lý cũng như cách thức quản lý. Lĩnh vực về tiền điện tử, tiền ảo nói chung vẫn còn gây ra rất nhiều tranh cãi. Bài viết dưới đây sẽ đưa đến Quý độc giả những kiến thức cần thiết dưới góc nhìn pháp lý về vấn đề này.

What Is Cryptocurrency: Types, Benefits, History and More [2022 Edition] |  Simplilearn
Ảnh minh họa

I. Tiền ảo là gì?

Bitcoin, Ethereum,… hay rất nhiều thứ khác tương tự như vậy mà nhiều người vẫn hay gọi là tiền ảo. Vậy thì thực tế khái niệm này có đúng và những khái niệm nào cho những cái vừa được nêu ở trên.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý cho những thứ mới mẻ là sản phẩm của bước đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, theo quan điểm pháp luật của các quốc gia trên thế giới, có thể khái niệm lại thành các thành phần như sau:

(1) Tiền điện tử (electronic money/e-money): theo định nghĩa được đưa ra bởi Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) tiền điện tử là giá trị được lưu trữ hoặc sản phẩm trả trước, trong đó thông tin về khoản tiền hoặc giá trị khả dụng của khách hàng được lưu trữ trên một thiết bị điện tử thuộc sở hữu của khách hàng. Như vậy, có thể hiểu rằng tiền điện tử trước tiên phải là đồng tiền pháp định (legal tender). Và, tiền điện tử sẽ có chức năng (i) dự trữ/lưu trữ giá trị (store value); (ii) trao đổi (exchange) và hạch toán (unit of account). Đồng thời, tiền điện tử cũng luôn được biểu hiện dưới dạng giá trị của tiền pháp định tại một quốc gia và được Ngân hàng Trung ương bảo chứng. Hơn nữa, tiền điện tử có cơ chế bảo chứng tiền tệ theo cơ chế ký quỹ (tổ chức phi ngân hàng phát hành) tại các hệ thống ngân hàng hoặc tỷ lệ dự trữ bắt buộc (ngân hàng phát hành) tại ngân hàng trung ương. Tỷ lệ ký quỹ theo cách an toàn ở mức 100%.

(2) Tiền ảo (virtual currency): theo Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), tiền ảo được hiểu là một loại tiền kỹ thuật số không chịu sự quản lý, được phát hành bởi những người phát triển phần mềm (developers) thường đồng thời là người kiểm soát hệ thống; được sử dụng và chấp nhận thanh toán giữa các thành viên của một cộng đồng ảo nhất định;

(3) Tiền mã hóa hay tiền kỹ thuật số (cryptocurrency): là loại “tiền” được tạo ra bởi các thuật toán phức tạp, được giao dịch, trao đổi trên không gian mạng và hiện nay chưa chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan nhà nước nào trên thế giới. Ví dụ điển hình ở đây là Bitcoin, Ethereum, USDC,…Hiện nay, về bản chất thì việc chuyển đổi tiền mã hóa sang tiền pháp định là không thể giống như tiền điện tử. Tuy nhiên, việc chuyển đổi như vậy vẫn diễn ra trong một cộng đồng người sở hữu các đồng tiền mã hóa này.

II. Căn cứ pháp lý liên quan đến tiền ảo

Hiện nay, Việt Nam chưa có một văn bản pháp lý nào điều chỉnh đích xác loại hình hay quy định khái niệm về tiền mã hóa. Tuy nhiên, một số văn bản pháp luật đã quy định về các hình thức của tiền tại lãnh thổ Việt Nam có thể kể đến gồm Luật Ngân hàng Nhà nướcLuật Các tổ chức tín dụngNghị định 101/2012/NĐ-CP. Bên cạnh đó, cũng đã có những văn bản được Chính Phủ ban hành đề cập tới loại hình này như Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và Công văn số 11633/VPCP-KTTH ngày 29/18/2018 của Văn phòng Chính phủ về báo cáo về việc rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo theo Quyết định số 664/QĐ-BTC ngày 24/4/2020 nhằm triển khai công tác nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.

III. Giao dịch tiền ảo có phạm pháp

Bởi pháp luật Việt Nam chưa có quy định pháp luật điều chỉnh liên quan đến khái niệm “tiền ảo”, tuy nhiên, những phạm trù pháp luật dưới đây có thể liên quan đến tiền ảo.

Một là, tiền tệ và ngân hàng

Căn cứ Khoản 2 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP, việc phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp là hành vi bị cấm trên lãnh thổ Việt Nam. Và, tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp được Ngân hàng Nhà nước công nhận.

Và, việc phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt hành chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP ; nặng hơn thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hai là, đầu tư và kinh doanh

Pháp luật Việt Nam hiện nay không có quy định cấm đầu tư kinh doanh các ngành nghề liên quan đến tiền mã hóa và người dân có quyền đầu tư kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm theo Khoản 1 Điều 5 Luật Đầu tư 2020. Tuy nhiên, chính ở những kẽ hở như vậy, việc huy động vốn trở nên dễ dàng, khiến cho các cá nhân, tổ chức lợi dụng để tạo ra những sàn giao dịch, những token rồi mời chào đầu tư theo mô hình đa cấp biến tướng. Vô hình chung các nhà đầu tư đã biến mình thành những người bị hại, và những cá nhân, tổ chức lợi dụng kẽ hở để huy động vốn có thể phạm vào tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo Điều 290 Bộ Luật hình sự 2015.

IV.  Các vấn đề pháp lý về tiền ảo tại Việt Nam hiện nay

Không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới, khung pháp lý thường sẽ không theo kịp tốc độ phát triển của khoa học công nghệ, nhất là đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Lĩnh vực Blockchain nói chung và Cryptocurrency nói riêng là một trong các phạm trù mà pháp luật Việt Nam chưa điều chỉnh tới. Tuy nhiên, hiện nay việc giao dịch các loại tiền mã hóa này tại Việt Nam đang diễn ra rất sôi nổi, các sàn giao dịch xuyên biên giới cũng được thành lập và tiếp cận với người sử dụng tại Việt Nam thông qua môi trường internet. Từ đó đặt ra các vấn đề về quản lý có thể kể đến như sau:

(1) Vấn đề cung cấp dịch vụ xuyên biên giới của các sàn CEX nước ngoài vào Việt Nam. Đây là một trong các vấn đề được cho rằng là khá quan trọng bởi việc các công ty chủ quản các sàn CEX cung cấp dịch vụ giao dịch, ký quỹ, phái sinh,… xuyên biên giới mà điển hình có thể kể đến như Binance, Houbi, MEXC,… tới người dùng Việt Nam mà không có sự quản lý của các cơ quan về đầu tư, có thể cả về ngoại hối. Hơn nữa, việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới nhưng lại không có hiện diện thương mại cũng như máy chủ tại Việt Nam cũng đặt ra các thách thức lớn trong việc quản lý nhà nước;

(2) Vấn đề về thuế, hiện nay các văn bản pháp luật điều chỉnh liên quan đến các loại thuế chưa có quy định liên quan đến loại hình giao dịch này từ người cung cấp dịch vụ cho đến những người giao dịch, dẫn đến thu thiếu thuế một lượng lớn để nộp vào ngân sách;

(3) Vấn đề về ngành, nghề kinh doanh, nên đưa ngành nghề kinh doanh tiền mã hóa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện (như có vốn pháp định, ký quỹ, tiền bảo đảm tại ngân hàng tương đương hạn mức tiền mã hóa được phát hành, giao dịch…) và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy hoạt động ngành nghề kinh doanh tiền mã hóa để tránh trường hợp kinh doanh ồ ạt, bừa bãi, lợi dụng kinh doanh tiền mã hóa để lừa đảo, rửa tiền hoặc thực hiện các hành vi phạm pháp khác. Đồng thời, cũng là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý và thu thuế liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền mã hóa.

(4) Vấn đề rửa tiền và tài trợ khủng bố, bởi tính chất Phi tập trung (Decentralized) của tiền mã hóa nên việc kiểm soát các dòng tiền sẽ rất khó khăn cho các nhà quản lý, cộng thêm tính chất xuyên biên giới trên môi trường không gian mạng dẫn tới việc kiểm soát các dòng tiền đặc biệt là “ngoại hối” vào và ra khỏi lãnh thổ Việt Nam cũng như mục đích của việc này có phải rửa tiền hay tài trợ khủng bố hay không? Vấn đề này sẽ tạo ra thách thức lớn đối với các nhà quản lý tại Việt Nam để có thể kiểm soát được dòng tiền cũng như mục đích của dòng tiền.

(5) Vấn đề liên quan đến huy động vốn thông qua hình thức ICO, để hình dung được thì ICO cũng gần tương tự như IPO trong thị trường chứng khoán, huy động vốn dưới hình thức phát hành ra công chúng. Như vậy, vấn đề đặt ra rằng liệu như vậy có được điều chỉnh bởi pháp luật về chứng khoán hay không. Bởi hiện nay không chỉ các dự án liên quan đến tiền mã hóa tại nước ngoài mở bán ICO đến người mua Việt Nam, thậm chí các dự án tại Việt Nam cũng đang huy động vốn bằng hình thức ICO này. Vô hình chung tạo nên làn sóng ICO vì quá dễ dàng không có sự kiểm soát nhất định. Cơ quan quản lý cần đưa ra các cơ chế nhất định để kiểm soát như đối với thị trường chứng khoán.

Có thể bạn quan tâm:

Truy tố người cướp tiền Bitcoin – Tiền ảo có phải là tài sản hay không?

Công nhận tiền ảo – Những vấn đề pháp lý cần đặt ra

Bách Khoa Luật

Nguồn: https://bachkhoaluat.vn/cam-nang/14839/tien-ao-la-gi–nhung-dieu-can-biet-moi-nhat

Leave a Reply