info@cbilaw.vn
+ (84) 028 3979 8855

Dịch vụ trung gian thanh toán và những điều cần biết mới nhất

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan rộng ra toàn thế giới và Việt Nam cũng đang trên đà hội nhập vào tiến trình đó. Và việc áp dụng công nghệ để phục vụ cho các quan hệ tài chính dần được triển khai. Theo đó, các dịch vụ trung gian thanh toán cũng dần được nở rộ và được người dân tin dùng và sử dụng. Với những tiện ích mà các loại hình dịch vụ này mang lại, việc thành lập các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trung gian thanh toán ngày càng tăng. Để có cái nhìn tổng quát cho các nhà đầu tư mong muốn gia nhập thị trường mới mẻ và đầy tiềm năng này, cùng theo dõi bài viết dưới đây để nắm rõ hơn về các loại hình dịch vụ trung gian thanh toán hiện có tại Việt Nam.

Ảnh Trung gian thanh toán 2022

1. Dịch vụ trung gian thanh toán là gì

Theo Điều 1 Nghị định 101/2012/NĐ-CP, dịch vụ trung gian thanh toán là một trong các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, được hiểu là hoạt động làm (i) trung gian kết nối truyền dẫn và (ii) xử lý dữ liệu điện tử các giao dịch thanh toán giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và người sử dụng dịch vụ thanh toán.

2. Cơ sở pháp lý về dịch vụ trung gian thanh toán

Nghị định 101/2012/NĐ-CP;

Nghị định 80/2016/NĐ-CP;

Thông tư 39/2014/TT-NHNN;

Thông tư 20/2016/TT-NHNN;

Thông tư 23/2019/TT-NHNN.

4.  Các dịch vụ trung gian thanh toán cần biết

Căn cứ Điều 2, 3 Thông tư 39/2014/TT-NHNN; Khoản 1 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP, dịch vụ trung gian thanh toán bao gồm và được hiểu như sau:

Một là, Dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử, gồm:

(i) Dịch vụ chuyển mạch tài chính là dịch vụ cung ứng hạ tầng kỹ thuật để thực hiện việc kết nối, truyền dẫn và xử lý dữ liệu điện tử để thực hiện các giao dịch thanh toán thông qua ATM, POS, Internet, điện thoại di động và các kênh giao dịch điện tử khác giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và/hoặc giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;

(ii) Dịch vụ bù trừ điện tử là dịch vụ cung ứng hạ tầng kỹ thuật để thực hiện việc tiếp nhận, đối chiếu dữ liệu thanh toán và tính toán kết quả số tiền phải thu, phải trả sau khi bù trừ giữa các thành viên tham gia để thực hiện việc quyết toán cho các bên có liên quan;

(iii) Dịch vụ cổng thanh toán điện tử là dịch vụ cung ứng hạ tầng kỹ thuật để thực hiện việc kết nối giữa các đơn vị chấp nhận thanh toán và ngân hàng nhằm hỗ trợ khách hàng thực hiện thanh toán trong giao dịch thương mại điện tử, thanh toán hóa đơn điện tử và các dịch vụ thanh toán điện tử khác.

Hai là, Dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán, gồm:

(i) Dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ là dịch vụ hỗ trợ các ngân hàng thực hiện dịch vụ thu hộ, chi hộ cho khách hàng có tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng tại ngân hàng thông qua việc nhận, xử lý, gửi thông điệp dữ liệu điện tử và tính toán kết quả thu hộ, chi hộ; hủy việc thu hộ, chi hộ để quyết toán cho các bên có liên quan;

(ii) Dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử là dịch vụ hỗ trợ việc tiếp nhận, truyền dẫn và xử lý dữ liệu trong các giao dịch chuyển tiền điện tử của ngân hàng hoặc được ngân hàng ủy thác;

(iii)  Dịch vụ ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài Khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính…), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài Khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài Khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1.

Xem thêm TTHC:

+ Thủ tục cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

4. Những điểm cần lưu ý đối với một số loại dịch vụ trung gian thanh toán

4.1 Dịch vụ bù trừ điện tử

Theo Khoản 4 Điều 1 Thông tư 23/2019/TT-NHNN khi kinh doanh dịch vụ bù trừ điện tử, đơn vị kinh doanh dịch vụ bù trừ điện tử (Tổ chức chủ trì Bù trừ điện tử-BTĐT) cần lưu ý các điểm sau:

Một là, Quy định về việc kết nạp (hoặc ngừng) tham gia thành viên Hệ thống BTĐT, trong đó thành viên quyết toán phải đáp ứng tối thiểu các yêu cầu:

(i) là thành viên trực tiếp của Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH);

(ii) đã thực hiện việc thiết lập Hạn mức BTĐT và cam kết thực hiện việc theo dõi, quản lý Hạn mức BTĐT để đảm bảo việc xử lý giao dịch thanh toán qua Hệ thống BTĐT tuân thủ theo quy định của pháp luật;

(iii) có văn bản ủy quyền vô thời hạn và không hủy ngang cho Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch) được chủ động trích (ghi Nợ) tài khoản thanh toán của mình và xử lý tài sản ký quỹ (khi thiết lập Hạn mức BTĐT) để thực hiện việc quyết toán BTĐT hoặc nghĩa vụ chia sẻ rủi ro trong trường hợp thành viên quyết toán lập Giấy nhận nợ ngân hàng thiếu vốn quyết toán BTĐT không đủ khả năng trả nợ vay theo quy định;

(iv) có văn bản cam kết với Tổ chức chủ trì BTĐT về việc đảm bảo khả năng chi trả để thanh toán kịp thời và đầy đủ các nghĩa vụ phát sinh khi xử lý quyết toán BTĐT theo quy định.

Hai là, Xây dựng quy trình nghiệp vụ của Hệ thống BTĐT trong đó quy định về số lượng phiên giao dịch, thời gian bù trừ, thanh toán, việc tra soát, đối chiếu dữ liệu, đảm bảo thực hiện quyết toán kịp thời, đầy đủ, chính xác cho các thành viên quyết toán theo kết quả BTĐT, đảm bảo nguyên tắc:

(i) giá trị giao dịch tối đa bằng đồng Việt Nam của lệnh thanh toán qua Hệ thống BTĐT không được vượt quá giá trị tối đa của lệnh thanh toán giá trị thấp qua Hệ thống TTĐTLNH;

(ii) việc xử lý các giao dịch thanh toán Nợ qua Hệ thống BTĐT đều phải có văn bản thỏa thuận hoặc ủy quyền trước;

(iii) theo dõi, quản lý chặt chẽ Hạn mức BTĐT đảm bảo tổng số chênh lệch phải trả của thành viên quyết toán trong một phiên giao dịch không lớn hơn Hạn mức BTĐT của thành viên quyết toán đó.

4.2 Dịch vụ Ví điện tử

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Ví điện tử, căn cứ Khoản 2, 3, 6 Điều 1 Thông tư 23/2019/TT-NHNN , trong quá trình hoạt động kinh doanh cần lưu ý tới việc:

(1) đảm bảo khả năng thanh toán. Theo đó, tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải (i) mở tài khoản đảm bảo thanh toán để đảm bảo cho việc cung ứng dịch vụ (tài khoản này không được sử dụng chung với các tài khoản đảm bảo khác (nếu có) và phải tách bạch với các tài khoản thanh toán khác tại ngân hàng hợp tác); (ii) duy trì tổng số dư trên tất cả các tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ Ví điện tử mở tại các ngân hàng hợp tác không thấp hơn so với tổng số dư của tất cả các Ví điện tử của các khách hàng tại cùng một thời điểm;

(2) phối hợp với tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch và bù trừ điện tử và ngân hàng liên kết để kiểm tra, xác thực, cập nhật đầy đủ và chính xác thông tin khách hàng đăng ký mở Ví điện tử;

(3) liên kết Ví điện tử với tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng có gắn với tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam (chủ Ví điện tử) tại ngân hàng liên kết, kèm theo đó phải (i) yêu cầu khách hàng hoàn thành việc liên kết Ví điện tử với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng mở tại ngân hàng liên kết trước khi khách hàng sử dụng Ví điện tử và (ii) thỏa thuận với ngân hàng liên kết hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử về quy trình, cách thức liên kết Ví điện tử với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng.

Có thể bạn quan tâm

Dịch vụ trung gian thanh toán?Thủ tục xin cấp giấy phép cung ứng dịch vụ 2022

Tích cực rà soát phát hiện các trường hợp lợi dụng ví điện tử để đánh bạc

Khách hàng hài lòng với trải nghiệm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của Petrolimex

Bách Khoa Luật

Nguồn: https://bachkhoaluat.vn/cam-nang/14731/dich-vu-trung-gian-thanh-toan-la-gi-nhung-dieu-can-biet-moi-nhat

Leave a Reply