Thủ tục thành lập cụm công nghiệp cần biết
Hiện nay, có rất nhiều các doanh nghiệp đang sản xuất và phát triển rất lớn mạnh, bên cạnh những doanh nghiệp lớn hay các khu công nghiệp phải kể đến các cụm công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ từng ngày với mục đích tạo cơ hội và giải quyết vấn đề việc làm cho rất nhiều người dân. Tuy nhiên, việc thành lập cũng như hoạt động cụm công nghiệp là một quá trình tương đối khó khăn cũng như mang tính chất phức tạp. Do đó, bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cần thiết giúp người đọc có thể nắm rõ hơn về điều kiện, trình tự thủ tục thành lập cụm công nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành.
Ảnh minh hoạ
1. Cụm công nghiệp là gì?
Tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 68/2017/NĐ-CP quy định về khái niệm cụm công nghiệp được hiểu như sau:
“Cụm công nghiệp là nơi sản xuất, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống, được đầu tư xây dựng nhằm thu hút, di dời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác vào đầu tư sản xuất kinh doanh.
Cụm công nghiệp có quy mô diện tích không vượt quá 75 ha và không dưới 10 ha. Riêng đối với cụm công nghiệp ở các huyện miền núi và cụm công nghiệp làng nghề có quy mô diện tích không vượt quá 75 ha và không dưới 5 ha.”
Như vậy có thể hiểu rằng, cụm công nghiệp là một loại hình kinh doanh nhỏ lẻ của khu công nghiệp. Đây là nơi sản xuất kinh doanh với quy mô vừa và nhỏ thực hiện các dịch vụ cho sản xuất của công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở ranh giới địa lý xác định, tại đây không có khu người dân sinh sống và chịu sự quản lý bởi nhà nước.
2. Các quy định pháp luật liên quan
– Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp
– Nghị định 66/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp
3. Điều kiện thành lập cụm công nghiệp
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 68/2017/NĐ-CP, về điều kiện thành lập cụm công nghiệp bao gồm các điều kiện được nêu dưới đây :
– Thứ nhất, có trong phương án phát triển cụm công nghiệp nằm trong quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt;
– Thứ hai, có doanh nghiệp, hợp tác xã có tư cách pháp lý, có năng lực, kinh nghiệm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật;
– Thứ ba, trong trường hợp địa bàn cấp huyện đã thành lập cụm công nghiệp thì tỷ lệ lấp đầy trung bình của các cụm công nghiệp đạt trên 50% hoặc tổng quỹ đất công nghiệp chưa cho thuê của các cụm công nghiệp nhỏ hơn 50 ha.
4. Trình tự, thủ tục thành lập cụm công nghiệp
Tại Điều 12 Nghị định 68/2017/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục cụm công nghiệp bao gồm các bước sau:
Bước 1: Doanh nghiệp, hợp tác xã có văn bản đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật có văn bản đề nghị kèm theo Báo cáo đầu tư thành lập cụm công nghiệp gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Bước 2: Trong thời gian 5 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật lập 8 bộ hồ sơ thành lập cụm công nghiệp (trong đó ít nhất có 2 bộ hồ sơ gốc), gửi Sở Công Thương để chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thẩm định.
Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ thành lập cụm công nghiệp, Sở Công Thương hoàn thành thẩm định, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh việc thành lập, mở rộng cụm công nghiệp.
Trường hợp hồ sơ, nội dung Báo cáo thành lập cụm công nghiệp không đáp ứng yêu cầu, Sở Công Thương có văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Thời hạn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định.
Bước 4: Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được 1 bộ hồ sơ thành lập, mở rộng cụm công nghiệp và báo cáo thẩm định của Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc không quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp. Quyết định thành lập cụm công nghiệp được gửi Bộ Công Thương 1 bản.
Xem thêm TTHC
5. Một số lưu ý khi thành lập, mở rộng cụm công nghiệp
Khi tiến hành thành lập và hoạt động cụm công nghiệp, cần phải lưu ý một số vấn đề sau đây:
– Trong trường hợp cụm công nghiệp thành lập có điều chỉnh diện tích lớn hơn 5 ha so với phương án phát triển cụm công nghiệp nằm trong quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản thống nhất với Bộ Công Thương trước khi phê duyệt.
– Định kỳ trước ngày 20 tháng 6 và 20 tháng 12 hàng năm, chủ đầu tư báo cáo tình hình hoạt động của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trong 6 tháng và cả năm theo mẫu, gửi Cơ quan Thống kê cấp huyện và sao gửi Phòng chuyên môn quản lý công thương thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Công Thương;
– Bên cạnh đó, cụm công nghiệp có nhu cầu mở rộng cần đáp ứng một số điều kiện sau đây:
+ Không vượt quá 75 ha, có quỹ đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn cấp huyện;
+ Có doanh nghiệp, hợp tác xã có tư cách pháp lý, có năng lực, kinh nghiệm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
+ Đạt tỷ lệ lấp đầy ít nhất 60% hoặc nhu cầu thuê đất công nghiệp trong cụm công nghiệp vượt quá diện tích đất công nghiệp hiện có của cụm công nghiệp;
+ Hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành thường xuyên các công trình hạ tầng kỹ thuật chung theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tục đầu tư trong cụm công nghiệp
Hình thức trả tiền thuê đất kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp?
Nguồn: https://bachkhoaluat.vn/cam-nang/14271/thu-tuc-thanh-lap-cum-cong-nghiep-can-biet