Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách
Nhu cầu di chuyển của hành khách ngày một tăng khi nền kinh tế đang dần phục hồi sau đại dịch Covid-19, đặc biệt đối với phương tiện là xe ô tô. Chính vì vậy, việc kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô cũng gia tăng để đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng. Vậy để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô cần phải đáp ứng điều kiện gì? Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô mới nhất hiện nay được quy định ra sao? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về vấn đề nêu trên.
Ảnh minh hoạ
1. Thế nào là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô?
Tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định: “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.”.
Như vậy, có thể hiểu “kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô” là việc kinh doanh vận chuyển người (hành khách) nhằm mục đích lợi nhuận bằng cách thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải gồm trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải.
2. Căn cứ pháp lý liên quan về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô
– Luật giao thông đường bộ 2008;
– Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;
– Nghị định 47/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;
– Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;
– Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.
3. Phân loại các hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP, có 5 loại hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bao gồm:
– Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định;
– Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định;
– Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi;
– Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định;
– Kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô.
Theo đó:
– Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có xác định bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến với lịch trình, hành trình nhất định (Khoản 4 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP).
– Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có các điểm dừng đón, trả khách và xe chạy theo biểu đồ vận hành với cự ly, phạm vi hoạt động nhất định, bao gồm tuyến xe buýt nội tỉnh và tuyến xe buýt liên tỉnh (Khoản 5 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP). Trong đó:
+ Tuyến xe buýt nội tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
+ Tuyến xe buýt liên tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn của hai hoặc ba tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
– Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là việc sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyển hành khách theo lịch trình và hành trình do hành khách yêu cầu; có sử dụng đồng hồ tính tiền để tính cước chuyến đi hoặc sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi và kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử (Khoản 6 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP).
– Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hành khách bằng văn bản giấy hoặc điện tử (sau đây gọi là hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng điện tử) giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe) (Khoản 7 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP).
– Kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng lữ hành bằng văn bản giấy hoặc điện tử giữa đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe) để vận chuyển khách du lịch theo chương trình du lịch (Khoản 8 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP).
4. Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô
Căn cứ Điều 13 Nghị định 10/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 47/2022/NĐ-CP, điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô được quy định như sau:
Điều kiện đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách
– Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã;
– Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định phải có sức chứa từ 09 chỗ trở lên (kể cả người lái xe) và có niên hạn sử dụng như sau: Không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên tuyến cự ly trên 300 ki-lô-mét, không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên tuyến có cự ly từ 300 ki-lô-mét trở xuống;
– Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt có niên hạn sử dụng không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất);
– Xe taxi phải có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất) (điểm d Khoản 1 Điều 13 Nghị định 10/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 47/2022/NĐ-CP);
– Xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch có niên hạn sử dụng không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất). Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có niên hạn sử dụng như sau: Không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 300 ki-lô-mét, không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly từ 300 ki-lô-mét trở xuống. Riêng xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách du lịch và xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) sử dụng hợp đồng điện tử có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất).
Về việc lắp camera trên xe
Theo Khoản 5 Điều 34 Nghị định 10/2020/NĐ-CP, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công- ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera và đảm bảo các yêu cầu sau:
– Ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo như sau:
+ Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 ki-lô-mét;
+ Tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 ki-lô-mét.
– Hình ảnh từ camera lắp trên xe phải được truyền với tần suất truyền từ 12 đến 20 lần/giờ (tương đương từ 3 đến 5 phút/lần truyền dữ liệu) về đơn vị kinh doanh vận tải và truyền về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, lưu trữ trong thời gian tối thiểu 72 giờ gần nhất; dữ liệu hình ảnh phải được cung cấp kịp thời, chính xác, không được chỉnh sửa hoặc làm sai lệch trước, trong và sau khi truyền;
– Thực hiện duy trì hoạt động của camera để đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh liên tục, không làm gián đoạn theo quy định;
– Cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ cho cơ quan Công an (Cục Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), ngành giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải) để phục vụ công tác quản lý nhà nước, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật;
– Tuân thủ quy định về an toàn thông tin đối với các thông tin dữ liệu của hành khách theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, theo Khoản 8 Điều 34 Nghị định 10/2020/NĐ-CP được bổ sung bởi Khoản 12 Điều 1 Nghị định 47/2022/NĐ-CP, từ ngày 01 tháng 7 năm 2023, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera theo quy định của Nghị định 10/2020/NĐ-CP, khi tham gia kinh doanh vận tải lần đầu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu. Thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
Lưu ý: Không sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách. Không sử dụng xe ô tô kiểu dáng tương tự xe từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
5. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô
5.1 Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô
Căn cứ vào Điều 18 Nghị định 10/2020/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô được quy định như sau:
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bao gồm:
– Bản sao văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải;
– Bản sao hoặc bản chính Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông (áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử).
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh đối với hộ kinh doanh vận tải gồm:
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
5.2 Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô
Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô được quy định cụ thể tại Điều 19 Nghị định 10/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Nghị định 47/2022/NĐ-CP.
Xem thủ tục chi tiết tại đây: Cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
6. Một số vấn đề cần lưu ý khi kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô
Một là, theo Khoản 6 Điều 19 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định các trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi Giấy phép kinh doanh không thời hạn:
– Đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp bản sao không đúng với bản chính hoặc thông tin sai lệch trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;
– Đơn vị kinh doanh vận tải không kinh doanh vận tải trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh vận tải trong thời gian 06 tháng liên tục;
– Đơn vị kinh doanh vận tải chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải;
– Đơn vị kinh doanh vận tải sửa chữa hoặc làm sai lệch dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe trước, trong và sau khi truyền dữ liệu.
Ngoài ra, trong trường hợp kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có Giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 24.000.000 đồng đối với tổ chức theo quy định tại điểm a Khoản 7 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Điểm r Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Hai là, theo Khoản 3 Điều 34 Nghị định 10/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 47/2022/NĐ-CP đơn vị kinh doanh vận tải cần lưu ý một số vấn đề trong quá trình kinh doanh vận tải sau đây:
1. Thực hiện quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh của Luật giao thông đường bộ và các quy định của Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
2. Khi hoạt động kinh doanh phải đăng ký mã số thuế với cơ quan Thuế tại địa phương nơi đơn vị đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh; thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định. Thành viên hợp tác xã khi tham gia kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.
3. Đơn vị kinh doanh vận tải
a) Ký hợp đồng lao động, đóng các loại bảo hiểm, tổ chức khám sức khỏe định kỳ và thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động (bao gồm cả lái xe, nhân viên phục trên xe) theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Phải đảm bảo các quyền lợi của hành khách theo quy định của pháp luật;
c) Tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe; cấp thẻ nhận dạng lái xe cho lái xe của đơn vị theo quy định;
d) Trong trường hợp có từ 02 đơn vị kinh doanh vận tải trở lên hợp tác để cùng kinh doanh vận tải phải có hợp đồng hợp tác, trong nội dung hợp đồng phải thể hiện: Đơn vị nào chịu trách nhiệm trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa, quyết định giá cước vận tải và các nội dung theo quy định tại điểm a, điểm b và điểm c Khoản 3 Điều 34 này.
4. Ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng phần mềm trong công tác quản lý phương tiện, quản lý lái xe, lưu trữ hồ sơ, vé điện tử, hóa đơn điện tử, niêm yết thông tin trên phương tiện, tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của hành khách theo quy định của pháp luật hiện hành.
5. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công- ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera và đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Ghi, lưu trữ hình ảnh theo quy định tại khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 14 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP;
b) Hình ảnh từ camera lắp trên xe phải được truyền với tần suất truyền từ 12 đến 20 lần/giờ (tương đương từ 3 đến 5 phút/lần truyền dữ liệu) về đơn vị kinh doanh vận tải và truyền về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, lưu trữ trong thời gian tối thiểu 72 giờ gần nhất; dữ liệu hình ảnh phải được cung cấp kịp thời, chính xác, không được chỉnh sửa hoặc làm sai lệch trước, trong và sau khi truyền;
c) Thực hiện duy trì hoạt động của camera để đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh liên tục, không làm gián đoạn theo quy định;
d) Cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ cho cơ quan Công an (Cục Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), ngành giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải) để phục vụ công tác quản lý nhà nước, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật;
đ) Tuân thủ quy định về an toàn thông tin đối với các thông tin dữ liệu của hành khách theo quy định pháp luật.
6. Đơn vị kinh doanh vận tải chịu sự thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và pháp luật khác có liên quan của cơ quan có thẩm quyền.
7. Thực hiện chế độ báo cáo hoạt động kinh doanh vận tải của đơn vị theo quy định.
8. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2023, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera theo quy định của Nghị định này, khi tham gia kinh doanh vận tải lần đầu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu. Thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
Mọi thắc mắc, nhu cầu tư vấn liên quan đến dịch vụ xin cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách và các dịch vụ pháp lý khác có liên quan, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH CBI để được hỗ trợ.
[vc_row][vc_column width=”1/2″]
Lỗi: Không tìm thấy biểu mẫu liên hệ.
[/vc_column][vc_column width=”1/2″][miako-vc-contact-info title=”THÔNG TIN LIÊN HỆ” company_description=”Công ty Luật TNHH CBI chuyên tư vấn về pháp lý doanh nghiệp, đầu tư và được đánh giá là một trong những công ty luật uy tín tại Việt Nam.” address=”87A đường Hàm Nghi, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.” phone=”+ (84) 28 3979 8855″ email=”info@cbilaw.vn” fax=””][/vc_column][/vc_row]