Website thương mại điện tử là gì, các quy định liên quan hoạt động thương mại điện tử
Trong thời đại kỷ nguyên số, website thương mại điện tử là công cụ không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh, từ mua bán hàng hóa cho đến cung ứng dịch vụ. Đây là một trong những hình thức tổ chức của hoạt động thương mại điện tử. Tuy nhiên, cũng như các hoạt động kinh doanh thông thường, các hoạt động thương mại điện tử nói chung hay các hoạt động thông qua website thương mại điện tử đều phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Dưới góc độ pháp lý, bài viết sau đây sẽ cung cấp người đọc các kiến thức cần thiết về website thương mại điện tử và các hoạt động thương mại điện tử liên quan.
1. Website thương mại điện tử là gì?
Theo quy định pháp luật, khoản 8 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, website thương mại điện tử được định nghĩa là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng.
Hiểu đơn giản, website thương mại điện tử hoạt động trên mạng internet và người dùng sẽ thực hiện giao dịch thông qua nó, bao gồm cả những website không có chức năng đặt hàng và mua hàng trực tuyến, thanh toán trực tuyến, khách hàng muốn mua hàng phải gọi điện hoặc để lại thông tin.
Theo Điều 25 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, website thương mại điện tử được phân làm 02 loại: website thương mại điện tử bán hàng và website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Theo đó:
– Website thương mại điện tử bán hàng: là website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình.
– Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử: là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các loại sau:
+ Sàn giao dịch thương mại điện tử (khoản 9 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP).
+ Website đấu giá trực tuyến (khoản 11 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP).
+ Website khuyến mại trực tuyến (khoản 10 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP).
+ Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định.
Xem thêm:
Một công ty có được xin cấp phép 02 website thương mại điện tử hay không?
Tại sao hồ sơ đăng ký website thương mại điện tử cho hộ kinh doanh cá thể bị từ chối?
2. Quy định của pháp luật điều chỉnh website thương mại điện tử
– Luật Giao dịch điện tử 2005.
– Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử.
– Nghị định 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương.
– Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử.
– Thông tư 21/2018/TT-BCT sửa đổi một số điều của Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử và Thông tư 59/2015/TT-BCT quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động.
3. Các nguyên tắc hoạt động thương mại điện tử
Thứ nhất, nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong giao dịch thương mại điện tử
Các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử có quyền tự do thỏa thuận không trái với quy định của pháp luật để xác lập quyền và nghĩa vụ của từng bên trong giao dịch. Thỏa thuận này là căn cứ để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch.
Thứ hai, nguyên tắc xác định phạm vi hoạt động kinh doanh trong thương mại điện tử
Nếu thương nhân, tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và xúc tiến thương mại trên website thương mại điện tử không nêu cụ thể giới hạn địa lý của những hoạt động này, thì các hoạt động kinh doanh đó được coi là tiến hành trên phạm vi cả nước.
Thứ ba, nguyên tắc xác định nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử
– Người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng và người bán trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải tuân thủ các quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng;
– Khách hàng trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là người tiêu dùng dịch vụ thương mại điện tử và là người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ do người bán trên website này cung cấp;
– Trường hợp người bán trực tiếp đăng thông tin về hàng hóa, dịch vụ của mình trên website thương mại điện tử thì thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng không phải là bên thứ ba cung cấp thông tin theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ tư, nguyên tắc kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện thông qua thương mại điện tử
Các chủ thể ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó.
4. Đặc điểm, phân loại hoạt động thương mại điện tử
4.1. Đặc điểm hoạt động thương mại điện tử
– Về hình thức thực hiện: Các hoạt động thương mại điện tử được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử. Trong hoạt động thương mại truyền thống, các giao dịch được tiến hành chủ yếu thông qua việc các bên gặp gỡ nhau trực tiếp để tiến hành đàm phán, giao dịch và đi đến ký kết hợp đồng trên văn bản, giấy tờ …
– Về phạm vi hoạt động: Hoạt động thương mại được thực hiện không phụ thuộc vào vị trí địa lý, thời gian. Các chủ thể có thể tiến hành các hoạt động thương mại điện tử ở bất cứ nơi nào, tại bất kì thời điểm nào.
– Về chủ thể tham gia: các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại điện tử không chỉ bao gồm người mua và người bán như thương mại truyền thống mà cụ thể sẽ là các chủ thể: người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng; thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; người bán; khách hàng; thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng… (Điều 24 Nghị định 52/2013/NĐ-CP).
Ngoài ra, trong một số trường hợp, các giao dịch thương mại điện tử còn cần có thêm cả cơ quan, tổ chức hoặc thương nhân chứng thực. Bởi các giao dịch thương mại điện tử thường phải đối mặt với các vấn đề an ninh, bảo mật. Do vậy, các giao dịch thương mại điện tử cần phải có sự trợ giúp của các chủ thể có khả năng và thẩm quyền xác nhận độ tin cậy của các thông tin trong giao dịch thương mại điện tử.
– Về thời gian thực hiện giao dịch: Nhờ việc sử dụng các phương tiện điện tử với công nghệ hiện đại và công nghệ truyền dẫn không dây, các giao dịch thương mại điện tử được thực hiện không phụ thuộc vào thời gian. Đây là một lợi thế quan trọng của hoạt động thương mại điện tử. Lợi thế này giúp người tham gia giao dịch tiến hành tự động hóa một số bước trong giao dịch thương mại điện tử (như mua hàng trực tuyến qua website) và loại bỏ sự chênh lệch về thời gian giữa các quốc gia. Do đó, dù ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ thời điểm nào các cá nhân, doanh nghiệp cũng có thể tiến hành được các giao dịch thương mại điện tử.
4.2. Phân loại hoạt động thương mại điện tử
Pháp luật không quy định cụ thể về vấn đề phân loại hoạt động thương mại điện tử. Tuy nhiên, nếu xem xét tính chất hoạt động của tổ chức hoạt động thương mại điện tử, hoạt động này có thể được chia thành 02 nhóm chính sau:
– Các hoạt động của tổ chức giao dịch thương mại điện tử trực tiếp và đơn lẻ: thông qua email, các phương tiện điện tử khác – mô hình doanh nghiệp B2B, B2C, C2B…
– Các hoạt động của tổ chức hoạt động thương mại điện tử mang tính chuyên nghiệp: thông qua website thương mại điện tử – mô hình doanh nghiệp B2C, C2B, C2C, B2B.
Theo đó, dựa vào hình thức các website thương mại điện tử, hoạt động thương mại điện tử có thể được chia nhỏ thành các trường hợp sau:
(1) Hoạt động thương mại điện tử được thực hiện trên website thương mại điện tử bán hàng.
(2) Hoạt động thương mại điện tử được thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
(3) Hoạt động thương mại điện tử được thực hiện trên website đấu giá trực tuyến.
(4) Hoạt động thương mại điện tử được thực hiện trên website khuyến mại trực tuyến.
Việc phân loại các hoạt động thương mại điện tử có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia vào từng loại hoạt động thương mại điện tử. Mỗi loại hoạt động thương mại điện tử này có những đặc điểm riêng về chủ thể tham gia hoạt động và về loại hoạt động thương mại được thực hiện.
Ví dụ, đối với hoạt động thương mại điện tử trên website thương mại điện tử bán hàng, chủ thể thực hiện hoạt động thương mại cũng là chủ thể thiết lập website thương mại điện tử. Còn đối với hoạt động thương mại trên sàn giao dịch thương mại điện tử, thì chủ thể thiết lập sàn giao dịch không phải là chủ thể trực tiếp tham gia và thực hiện giao dịch. Đối với hoạt động trên website khuyến mại trực tuyến, hoạt động được thực hiện là hoạt động khuyến mại hàng hoá, dịch vụ cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân có nhu cầu trên cơ sở của hợp đồng dịch vụ khuyến mại giữa các chủ thể này với thương nhân, tổ chức thiết lập website. Còn đối với hoạt động trên website đấu giá trực tuyến thì hoạt động được thực hiện ở trên thông tin này là hoạt động đấu giá.
5. Điều kiện hoạt động thương mại điện tử
“Điều kiện hoạt động thương mại điện tử” mang phạm trù khá rộng. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết, điều kiện này được hiểu là điều kiện hoạt động của các website thương mại điện tử mà cụ thể hơn chính là điều kiện thiết lập website đối với các chủ sở hữu.
Đối với website thương mại điện tử bán hàng
Theo Điều 52 Nghị định 52/2013/NĐ-CP và khoản 1 Điều 10, Điều 11 Nghị định 08/2018/NĐ-CP, các thương nhân, tổ chức, cá nhân được thiết lập website thương mại điện tử bán hàng nếu đáp ứng các điều kiện sau:
Thứ nhất, là thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân.
Thứ hai, đã thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng theo quy định.
Đối với website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
Theo Điều 54 Nghị định 52/2013/NĐ-CP và khoản 2 Điều 10, Điều 11 Nghị định 08/2018/NĐ-CP, thương nhân, tổ chức được thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (sàn giao dịch thương mại điện tử, website đấu giá trực tuyến, website khuyến mại trực tuyến) khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất, là thương nhân, tổ chức được thành lập theo quy định pháp luật.
Thứ hai, có đề án cung cấp dịch vụ trong đó nêu rõ các nội dung sau:
+ Mô hình tổ chức hoạt động, bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ, hoạt động xúc tiến, tiếp thị dịch vụ cả trong và ngoài môi trường trực tuyến.
+ Phân định quyền và trách nhiệm giữa thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với các bên sử dụng dịch vụ.
Thứ ba, đã đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký theo quy định.
Trong trường hợp thương nhân, tổ chức thiết lập website thương mại điện tử vừa là website thương mại điện tử bán hàng vừa là website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải thông báo và đăng ký với Bộ Công Thương.
6. Lưu ý khi tiến hành hoạt động thương mại điện tử
Ở góc nhìn của chủ sở hữu website thương mại điện tử thì việc xác định một website có phải website thương mại điện tử hay không và là loại website thương mại điện tử nào vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, mỗi loại website sẽ phải đáp ứng các yêu cầu nhất định để có thể tiến hành hoạt động hợp pháp. Chẳng hạn, chủ sở hữu website thương mại điện tử bán hàng phải tiến hành thủ tục thông báo với Bộ Công thương trong khi thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải tiến hành thủ tục đăng ký với nhiều điều kiện kèm theo.
Bên cạnh đó, người bán cần lưu ý không được sử dụng website thương mại điện tử để kinh doanh các hàng hóa hạn chế kinh doanh:
– Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ;
– Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác;
– Rượu các loại;
– Thực vật, động vật hoang dã quý hiếm, bao gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến;
– Các hàng hóa hạn chế kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
Thương nhân thiết lập website để bán các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phải công bố trên website của mình số, ngày cấp và nơi cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ đó (Điều 3 Thông tư 47/2014/TT-BCT).
Xem thêm:
Căn cứ tính thuế đối với hàng hoá mua tại website nước ngoài chuyển phát nhanh về việt nam
Khuyến cáo các sai phạm về thuế thường gặp trong lĩnh vực thương mại điện tử
Bách Khoa Luật
Nguồn bài viết: https://bachkhoaluat.vn/cam-nang/9423/website-thuong-mai-dien-tu-la-gi-cac-quy-dinh-lien-quan-hoat-dong-thuong-mai-dien-tu