Điều kiện, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài
Lợi nhuận từ đầu tư đem lại là rất lớn, đồng thời đầu tư cũng là cách thức góp phần giúp tăng trưởng GDP phát triển kinh tế. Do đó, hiện nay nhu cầu nhà đầu tư quyết định đầu tư ra nước ngoài để phát triển quy mô và mở rộng thị trường ngày càng tăng lên. Tuy nhiên để thực hiện việc đầu tư ra nước ngoài đòi hỏi một số điều kiện và yêu cầu. Do đó bài viết sau đây sẽ cung cấp các thông tin về điều kiện, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
1. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài là gì?
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài được hiểu là văn bản bằng giấy hoặc văn bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư ra nước ngoài mà được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp cho các tổ chức, kinh doanh.
2. Quy định pháp luật có liên quan
– Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn luật đầu tư
– Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT quy định mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại việt nam, đầu tư từ việt nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư.
3. Điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài
Để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư phải đáp ứng được các điều kiện sau:
Một là, hoạt động đầu tư ra nước ngoài phù hợp với nguyên tắc tại Điều 51 Luật Đầu tư 2020. Cụ thể:
+ Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường; tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ; tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
+ Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài phải tuân thủ quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư (sau đây gọi là nước tiếp nhận đầu tư) và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư ở nư
Hai là, ngành nghề đầu tư không thuộc ngành nghề bị cấm đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 53 Luật Đầu tư 2020 và đáp ứng các điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện quy định tại Điều 54 Luật Đầu tư 2020.
Ba là, Nhà đầu tư có cam kết tự thu xếp ngoại tệ hoặc có cam kết thu xếp ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài cửa tổ chức tín dụng được phép.
Bốn là, có quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 59 của Luật Đầu tư 2020.
Năm là, có văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư.
Sáu là, thời điểm xác nhận của cơ quan thuế là không quá 03 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ dự án đầu tư.
Xem thêm: Đầu tư ra nước ngoài, điều kiện được phép đầu tư ra nước ngoài
4. Nội dung giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài
Theo Điều 62 Luật Đầu tư 2020 thì nội dung giấy chứng nhận phải bao gồm các thông tin sau:
– Mã số dự án đầu tư.
– Nhà đầu tư.
– Tên dự án đầu tư, tên tổ chức kinh tế ở nước ngoài (nếu có).
– Mục tiêu, địa điểm đầu tư.
– Hình thức đầu tư, vốn đầu tư, nguồn vốn đầu tư, hình thức vốn đầu tư, tiến độ thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
5. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài
Hiện nay theo quy định pháp luật đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài và cả dự án không thuộc diện phải có quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cụ thể:
– Đối với các dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài thì nhà đầu tư phải có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư ra nước ngoài. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư
– Đối với dự án không thuộc diện phải có quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài thì nhà đầu tư phải nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
6. Chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài
Theo quy định tại Điều 64 Luật Đầu tư 2020 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài chấm dứt hiệu lực nếu thuộc vào một trong các trường hợp sau:
– Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư;
– Hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;
– Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp;
– Nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ vốn đầu tư ở nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài;
– Quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước và không thực hiện thủ tục điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư;
– Tổ chức kinh tế ở nước ngoài bị giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;
– Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài.
Như vậy nếu rơi vào một trong các trường hợp trên nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư tại nước ngoài theo quy định của nước đang tiếp nhận đầu tư. Đồng thời thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Xem thủ tục: Chấm dứt hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài
7. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài
Tuỳ trường hợp mà thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài sẽ có sự khác nhau. Cụ thể:
– Đối với trường hợp dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài thì nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư ra nước ngoài.
Xem thủ tục:
– Đối với trường hợp dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài thì nhà đầu tư thực hiện theo thủ tục nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
8. Những lưu ý khi triển khai hoạt động đầu tư ở nước ngoài
Một là, về mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài
Theo Điều 65 Luật Đầu tư 2020 thì Nhà đầu tư phải mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài tại một tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối. Mọi giao dịch chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư này và tuân thủ theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
Hai là, về thông báo về việc thực hiện hoạt động đầu tư ở nước
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày dự án đầu tư được chấp thuận hoặc cấp phép theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, nhà đầu tư phải gửi thông báo bằng văn bản về việc thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước tiếp nhận đầu tư
Xem thủ tục: Thông báo thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài
Ba là, về hoạt động chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài
Nhà đầu tư được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này;
– Hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép. Trường hợp pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư không quy định về việc cấp phép đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư, nhà đầu tư phải có tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư;
– Có tài khoản vốn theo quy định tại Điều 65 Luật Đầu tư 2020, nghĩa là Nhà đầu tư đã mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài theo quy định.
Ngoài ra, theo Khoản 2 Điều 66 Luật Đầu tư 2020 thì việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và quy định khác của pháp luật có liên quan. Đặc biệt, Nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ hoặc hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài để phục vụ cho hoạt động khảo sát, nghiên cứu, thăm dò thị trường và thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư khác theo quy định của Chính phủ.
Bốn là, về sử dụng lợi nhuận ở nước ngoài
Theo Điều 67 Luật Đầu tư 2020 Nhà đầu tư được giữ lại lợi nhuận thu từ đầu tư ở nước ngoài để tái đầu tư trong trường hợp sau đây:
– Tiếp tục góp vốn đầu tư ở nước ngoài trong trường hợp chưa góp đủ vốn theo đăng ký;
– Tăng vốn đầu tư ra nước ngoài;
– Thực hiện dự án đầu tư mới ở nước ngoài.
Năm là, về việc chuyển lợi nhuận về nước
– Nhà đầu tư cần lưu ý trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, nhà đầu tư phải chuyển toàn bộ lợi nhuận thu được và các khoản thu nhập khác từ đầu tư ở nước ngoài về Việt Nam trừ trường hợp giữ lại lợi nhuận để sử dụng tái đầu tư nêu trên. Trong thời hạn 06 tháng nêu trên mà không chuyển lợi nhuận và các khoản thu nhập khác về Việt Nam thì nhà đầu tư phải thông báo trước bằng văn bản cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thời hạn chuyển lợi nhuận về nước được kéo dài không quá 12 tháng kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 68 Luật Đầu tư 2020.
Xem thủ tục: Thông báo kéo dài thời hạn chuyển lợi nhuận của dự án đầu tư ra nước ngoài về nước
– Trường hợp quá thời hạn quy định tại khoản 1 Luật đầu tư 2020 mà chưa chuyển lợi nhuận về nước và không thông báo hoặc trường hợp quá thời hạn được kéo dài quy định tại khoản 2 Luật Đầu tư 2020 mà nhà đầu tư chưa chuyển lợi nhuận về nước thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Có thể bạn quan tâm:
– Hướng dẫn đăng ký mã số giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài
– Nhà đầu tư nước ngoài có được nhập khẩu, phân phối sách báo, tạp chí?
Bách Khoa Luật
Nguồn: https://bachkhoaluat.vn/cam-nang/9640/dieu-kien-thu-tuc-cap-giay-chung-nhan-dang-ky-dau-tu-ra-nuoc-ngoai