Thông báo website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng mới nhất
Hiện nay, nhu cầu về việc kinh doanh trên mạng ngày càng phát triển. Chính vì thế đã có nhiều website/ứng dụng được thiết lập để đáp ứng nhu cầu trong thời đại mới. Vậy để thiết lập và hoạt động các website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng thì thương nhân, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu website/ứng dụng có phải thực hiện thủ tục thông báo cho cơ quan nhà nước không, trình tự như thế nào? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu về vấn đề này nhé.
Ảnh minh hoạ
1. Khái niệm website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng
1.1 Website thương mại điện tử bán hàng là gì?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP:
“Website thương mại điện tử (dưới đây gọi tắt là website) là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng.”
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Nghị định 52/2013/NĐ-CP: “Các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập website thương mại điện tử để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình (người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng)”.
Như vậy có thể hiểu, website thương mại điện tử bán hàng trang thông tin điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhận tự thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ của chính thương nhân, tổ chức, cá nhân đó.
1.2 Ứng dụng bán hàng (ứng dụng thương mại điện tử bán hàng) là gì?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BCT:
“Ứng dụng bán hàng là ứng dụng thương mại điện tử trên thiết bị di động do thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình.”
Như vậy, ứng dụng thương mại điện tử có thể hiểu là ứng dụng (app) do thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập để tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại, mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ của chính thương nhân, tổ chức, cá nhân đó.
2. Căn cứ pháp lý liên quan đến website/ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
– Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử;
– Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử;
– Thông tư 59/2015/TT-BCT quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành;
– Thông tư 47/2014/TT-BCT về quản lý website thương mại điện tử do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành;
– Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
– Nghị định 17/2022/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.
3. Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng
3.1 Trách nhiệm thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử bán hàng
Căn cứ Điều 27 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, thương nhân, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu website thương mại điện tử bán hàng có các trách nhiệm sau:
– Thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng theo quy định tại Mục 1 Chương IV Nghị định 52/2013/NĐ-CP nếu website có chức năng đặt hàng trực tuyến (Nội dung này được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP)
– Thực hiện đầy đủ việc cung cấp thông tin trên website theo các quy định tại Mục này và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin.
– Tuân thủ các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng quy định tại Mục 1 Chương V Nghị định 52/2013/NĐ-CP.
– Thực hiện các quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định 52/2013/NĐ-CP về giao kết hợp đồng trong thương mại điện tử nếu website có chức năng đặt hàng trực tuyến.
– Thực hiện các quy định tại Mục 2 Chương V Nghị định 52/2013/NĐ-CP về an toàn thanh toán trong thương mại điện tử nếu website có chức năng thanh toán trực tuyến.
– Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử.
– Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
3.2 Trách nhiệm thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu ứng dụng thương mại điện tử bán hàng
Căn cứ Điều 5 Thông tư 59/2015/TT-BCT, thương nhân, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu ứng dụng thương mại điện tử bán hàng có các trách nhiệm sau:
– Thông báo với Bộ Công Thương theo quy định tại Mục 1 Chương II Thông tư 59/2015/TT-BCT nếu ứng dụng có chức năng đặt hàng trực tuyến (nội dung này được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 2 Điều 2 Thông tư 01/2022/TT-BCT).
– Cung cấp đầy đủ các thông tin sau trên ứng dụng:
+ Tên và địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc tên và địa chỉ thường trú của cá nhân;
+ Số điện thoại, địa chỉ thư điện tử hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác.
– Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử trên ứng dụng di động:
+ Tuân thủ các nghĩa vụ về bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng quy định tại Mục 1 Chương V Nghị định 52/2013/NĐ-CP;
+ Thông báo cho người tiêu dùng về việc ứng dụng của mình sẽ thu thập những thông tin gì trên thiết bị di động khi được cài đặt và sử dụng;
+ Không được phép mặc định buộc người tiêu dùng phải sử dụng các dịch vụ đính kèm khi cài đặt và sử dụng ứng dụng của mình.
– Thực hiện các quy định tại Điều 8 và Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BCT nếu ứng dụng bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.
– Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử.
– Tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ.
– Trong trường hợp sử dụng ứng dụng bán hàng để kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, thì phải đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đồng thời công bố trên ứng dụng số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
4. Quy trình thực hiện thủ tục thông báo website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng
Quy trình thực hiện thủ tục thông báo website thương mại điện tử bán hàng được quy định tại Điều 9, Điều 10 Thông tư 47/2014/TT-BCT.
Căn cứ Khoản 2 Điều 11 Thông tư 59/2015/TT-BCT:Quy trình thông báo ứng dụng bán hàng được thực hiện theo quy trình thông báo website thương mại điện tử bán hàng quy định tại Điều 9, Điều 10 Thông tư 47/2014/TT-BCT.
Xem chi tiết thủ tục tại đây:
– Thông báo website thương mại điện tử bán hàng
– Thông báo ứng dụng thương mại điện tử bán hàng
5. Lưu ý về vi phạm hành chính đối với hoạt động thiết lập website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng
Căn cứ theo quy định tại Điều 62 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, điểm b Khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP, việc xử lý các hành vi vi phạm về thiết lập website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng được quy định như sau:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức khi có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không bổ sung hồ sơ thông báo liên quan đến website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến (sau đây gọi là website thương mại điện tử bán hàng) hoặc ứng dụng bán hàng trên nền tảng di động có chức năng đặt hàng trực tuyến (sau đây gọi là ứng dụng bán hàng) theo quy định (Điểm này được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 33 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP);
b) Không thông báo sửa đổi, bổ sung theo quy định khi có sự thay đổi thông tin liên quan đến website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng sau khi đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
c) Không công bố hoặc công bố không đầy đủ, không chính xác trên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng thông tin về chủ sở hữu website hoặc ứng dụng bán hàng; thông tin hàng hóa, dịch vụ; thông tin về số giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật; thông tin về giá cả; thông tin vận chuyển và giao nhận; thông tin về điều kiện giao dịch chung; thông tin về các phương thức thanh toán theo quy định (Điểm này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 33 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP);
d) Nhận chuyển nhượng website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng mà không làm thủ tục chuyển nhượng hoặc không tiến hành thông báo lại với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
đ) Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh, báo cáo số liệu thống kê về tình hình hoạt động của website thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử không đúng thời hạn theo quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (điểm này được bổ sung bởi Điểm c Khoản 33 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP).
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức khi có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Cung cấp thông tin không đầy đủ hoặc sai lệch khi thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng;
b) Sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
c) Không cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh hoặc không giải trình về hoạt động của website thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử theo quy định.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức khi có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng (Điểm này được sửa đổi bởi Điểm d Khoản 33 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP);
b) Gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng;
c) Giả mạo thông tin thông báo trên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng.
Ngoài ra, theo Khoản 5 Điều 62 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điểm đ Khoản 33 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn chịu hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b và c mục 3 nêu trên.
Mọi thắc mắc, nhu cầu tư vấn liên quan đến dịch vụ thực hiện thủ tục Thông báo website/ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử mới nhất và các dịch vụ pháp lý khác có liên quan, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH CBI để được hỗ trợ.
[vc_row][vc_column width=”1/2″]
Lỗi: Không tìm thấy biểu mẫu liên hệ.
[/vc_column][vc_column width=”1/2″][miako-vc-contact-info title=”THÔNG TIN LIÊN HỆ” company_description=”Công ty Luật TNHH CBI chuyên tư vấn về pháp lý doanh nghiệp, đầu tư và được đánh giá là một trong những công ty luật uy tín tại Việt Nam.” address=”87A đường Hàm Nghi, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.” phone=”+ (84) 28 3979 8855″ email=”info@cbilaw.vn” fax=””][/vc_column][/vc_row]