Thành lập doanh nghiệp sản xuất xe đạp điện và những điều cần biết
Sản xuất, lắp ráp xe đạp điện hiện nay đang là xu thế hàng đầu khi mà ngành công nghệ xe điện ngày càng có những bước đột phá mạnh mẽ khiến lượng người sử dụng tăng cao. Chính vì tiềm năng ngày một tăng trưởng nên các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe đạp điện được thành lập để bắt kịp với xu thế thị trường. Vậy thành lập doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe đạp điện thực hiện như thế nào, có những lưu ý gì cần biết? Bài viết dưới đây sẽ gửi tới Quý độc giả kiến thức pháp lý cần biết.
1. Khái niệm liên quan đến doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe đạp điện tại Việt Nam
Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Thông tư 41/2013/TT-BGTVT định nghĩa Xe đạp điện (sau đây gọi chung là Xe) là Xe đạp hai bánh, được vận hành bằng động cơ điện một chiều hoặc được vận hành bằng cơ cấu đạp chân có trợ lực từ động cơ điện một chiều, có công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 250 W, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/h và có khối lượng bản thân (bao gồm cả ắc quy) không lớn hơn 40 kg.
Bên cạnh đó, tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện QCVN 68:2013/BGTVT định nghĩa thêm Xe được vận hành bằng cơ cấu đạp chân có trợ lực từ động cơ điện một chiều được gọi là Xe trợ lực điện.
Việc sản xuất các dòng xe điện cần được hiểu rõ khái niệm, bởi sản xuất xe đạp điện sẽ đặt ra những yêu cầu, điều kiện về kỹ thuật khác với xe mô tô điện, xe gắn máy điện.
2. Căn cứ pháp lý liên quan đến doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe đạp điện tại Việt Nam
3. Thủ tục thành lập doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe đạp điện
Hiện nay, ngành, nghề sản xuất, lắp ráp xe đạp điện không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo Danh mục tại Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020. Nên theo đó việc thành lập doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe đạp điện như đối với các ngành, nghề khác.
Thủ tục thành lập doanh nghiệp được hướng dẫn chi tiết tại Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
Xem thêm TTHC:
– Thành lập công ty TNHH 1 thành viên
– Thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên
4. Một số lưu ý khi hoạt động sản xuất, lắp ráp xe đạp điện
Trong quá trình sản xuất, lắp ráp xe đạp điện, doanh nghiệp cần lưu ý một số điểm như sau:
Một là, Một số thủ tục ban đầu sau khi thành lập doanh nghiệp:
– Treo bảng hiệu doanh nghiệp tại trụ sở: căn cứ Khoản 4 Điều 37 Luật Doanh nghiệp quy định tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, căn cứ Khoản 1 Điều 34 Luật Quảng cáo 2012 quy định những nội dung phải có trên biển hiệu bao gồm:
a) Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);
b) Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
c) Địa chỉ, điện thoại.
– Mua chữ ký số (token, chứng thư số): Đây là thủ tục bắt buộc hoàn thành của mọi doanh nghiệp khi mới thành lập. Chữ ký số này sẽ được dùng để nộp kê khai lệ phí môn bài trên trang web của Tổng cục Thuế.
– Mở tài khoản cho doanh nghiệp và nộp tiền vào tài khoản: Doanh nghiệp sẽ sử dụng chữ ký số để trình tiền trong tài khoản và nộp khoản lệ phí môn bài vào Kho bạc Nhà nước.
– Đăng ký kê khai thuế điện tử, mua hóa đơn điện tử: Doanh nghiệp cần đăng ký khai thuế điện tử và mua hóa đơn điện tử (nếu có).
Hai là, Bởi là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nên khi xây dựng nhà xưởng các điều kiện, yêu cầu liên quan đến môi trường cần được tuân thủ nghiệm ngặt.
Ba là, Vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế
Nghĩa vụ liên quan đến thuế sẽ là lưu tâm hàng đầu khi kinh doanh. Trong quá trình hoạt động, các loại thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất được quy định tại pháp luật liên quan về thuế cần được lưu ý cũng như việc ghi sổ kế toán để ghi nhận đâu là doanh thu, đâu là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Đặc biệt với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp có thể một số linh kiện sẽ được nhập khẩu trong quá trình sản xuất, như vậy sẽ phải chịu thuế nhập khẩu và các loại thuế khác có liên quan, doanh nghiệp cần lưu ý để tránh kê khai thiếu, khấu trừ nhầm chi phí.
Bên cạnh đó, những khoản thuế VAT được khấu trừ cũng cần được phân loại bởi phải đủ các điều kiện bao gồm:
(i) có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp; và
(ii) có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đầu vào đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào có giá trị ghi sổ từ 20 triệu đồng trở lên. Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt được hiểu là chứng từ chứng minh việc chuyển giao tiền từ tài khoản bên mua qua tài khoản bên bán; hoặc các hình thức chứng từ thanh toán được pháp luật quy định khác như séc, ùy nhiệm chi, lệnh chi, …
Thêm vào đó, đối với các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh sản xuất, lắp ráp xe đạp điện với mong muốn mở rộng hoạt động sản xuất, nâng công suất nhà xưởng, huy động vốn bằng hình thức vay vốn từ dòng vốn nước ngoài, như vậy chi phí lãi vay sẽ phát sinh và khi đó thuế nhà thầu (FCT) sẽ là sắc thuế mà doanh nghiệp cần quan tâm. Bởi theo nguyên tắc, đối với tổ chức cho vay không cứ trú không đáp ứng các điều kiện thì Bên đi vay tại Việt Nam sẽ nộp thay thuế nhà thầu cho tổ chức không cư trú phát sinh doanh thu tại Việt Nam với mức thuế suất là 5% tính trên doanh thu đối với thu nhập từ lãi tiền vay.
Và, công ty cũng cần lưu ý đến thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của từng nhân viên trong công ty khi có thỏa thuận về việc doanh nghiệp nộp thay thuế TNCN cho người lao động.
Bốn là, các vấn đề liên quan đến người lao động
Trong quá trình hoạt động, khi tuyển dụng lao động, việc giao kết hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) với người lao động (NLĐ) là bắt buộc, và đa phần đối với những công việc liên quan đến sản xuất, lắp ráp xe đạp điện thì hợp đồng lao động thời sẽ có thời hạn trên 01 năm. Và, công ty cũng cần tuân thủ các quy định của pháp luật về kỷ luật lao động, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc sa thải người lao động.
Thêm vào đó, trường hợp công ty tuyển dụng các chuyên gia, NLĐ nước ngoài để phục vụ cho hoạt động động quản lý công việc sản xuất, lắp ráp xe đạp điện, quy định pháp luật đối với NLĐ nước ngoài như Giấy phép lao động; bảo lãnh nhập cảnh cần được tuân thủ.
Bên cạnh vấn đền liên quan đến hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội cũng là điều mà các công ty cần lưu tâm. Theo đó, doanh nghiệp có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động sau khi ký hợp đồng lao động theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Lưu ý rằng, việc không đóng hoặc trốn đóng BHXH sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP; hoặc nếu tính chất nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thực tế, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe đạp điện trên thị trường đa phần sẽ thuê người lao động nước ngoài, chuyên gia kỹ thuật để phục vụ trong quá trình sản xuất bởi đòi hỏi kỹ thuật công nghệ cao. Khi đó, các vấn đề liên quan đến xin thẻ tạm trú (TRC) cho lao động nước ngoài cũng cần được lưu tâm.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tục đổi giấy phép lái xe trực tuyến
Sản xuất xe đạp điện và những điều cần biết
Nguồn: https://bachkhoaluat.vn/cam-nang/15954/thanh-lap-doanh-nghiep-san-xuat-xe-dap-dien-va-nhung-dieu-can-biet