info@cbilaw.vn
+ (84) 028 3979 8855

Giấy phép thiết lập mạng xã hội

Ngày nay, khoa học công nghệ phát triển, cùng với đó các trang mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều. Để quản lý về mạng xã hội, pháp luật quy định đơn vị thiết lập các trang mạng xã hội cần tiến hành thủ tục đăng ký giấy phép thiết lập mạng xã hội. Bài viết dưới đây gửi tới quý độc giả kiến thức pháp lý cần biết về vấn đề này.

Ảnh minh hoạ

1. Mạng xã hội là gì?

Căn cứ Khoản 22 Điều 3 Nghị định 72/2013/NĐ-CPMạng xã hội (social network) được định nghĩa là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.

2. Căn cứ pháp lý liên quan đến mạng xã hội

– Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;

– Nghị định 27/2018/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;

– Nghị định 150/2018/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông;

– Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử;

– Thông tư 09/2014/TT-BTTTT về quy định chi tiết hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội của Bộ Thông tin và Truyền thông.

3. Điều kiện cấp Giấy phép thiết lập mạng xã hội

Căn cứ Khoản 5 Điều 23 Nghị định 72/2013/NĐ-CP; Khoản 7, 8, 9, 10, 11 Điều 1 Nghị định 27/2018/NĐ-CP; Khoản 1, 2 Điều 2 Nghị định 150/2018/NĐ-CP, theo đó để được cấp Giấy phép thiết lập mạng xã hội, tổ chức, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện như sau:

Thứ nhất, chủ thể thiết lập mạng xã hội là tổ chức, doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ hoặc ngành nghề đăng ký kinh doanh phù hợp với dịch vụ và nội dung thông tin cung cấp đã được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;

Thứ hai, tổ chức, doanh nghiệp phải có tổ chức, nhân sự đáp ứng các điều kiện sau:

– Đối với nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung thông tin có (a) ít nhất 01 nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung thông tin là người có quốc tịch Việt Nam hoặc đối với người nước ngoài có thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp còn thời hạn ít nhất 06 tháng tại Việt Nam kể từ thời điểm nộp hồ sơ; (b) bộ phận quản lý nội dung thông tin;

– Đối với nhân sự bộ phận kỹ thuật có ít nhất 01 nhân sự quản lý nội dung thông tin và 01 nhân sự quản lý kỹ thuật.

Thứ ba, tổ chức, doanh nghiệp đã đăng ký tên miền sử dụng để thiết lập mạng xã hội đáp ứng các quy định sau:

– Đối với tổ chức, doanh nghiệp không phải là cơ quan báo chí, dãy ký tự tạo nên tên miền không được giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí;

– Mạng xã hội sử dụng ít nhất 01 tên miền “.vn” và lưu giữ thông tin tại hệ thống máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam;

– Trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội của cùng tổ chức, doanh nghiệp không được sử dụng cùng tên miền có dãy ký tự giống nhau;

– Tên miền tuân thủ quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet. Đối với tên miền quốc tế phải có xác nhận sử dụng tên miền hợp pháp.

Thứ tư, tổ chức, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về kỹ thuật đối với thiết lập hệ thống thiết bị kỹ thuật với yêu cầu:

– Lưu trữ tối thiểu 02 năm đối với các thông tin về tài khoản, thời gian đăng nhập, đăng xuất, địa chỉ IP của người sử dụng và nhật ký xử lý thông tin được đăng tải;

– Tiếp nhận và xử lý cảnh báo thông tin vi phạm từ người sử dụng;

– Phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn truy nhập bất hợp pháp, các hình thức tấn công trên môi trường mạng và tuân theo những tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thông tin;

– Có phương án dự phòng bảo đảm duy trì hoạt động an toàn, liên tục và khắc phục khi có sự cố xảy ra, trừ những trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật;

– Đảm bảo phải có ít nhất 01 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, cho phép tại thời điểm bất kỳ có thể đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin trên toàn bộ mạng xã hội do tổ chức, doanh nghiệp sở hữu;

– Thực hiện đăng ký, lưu trữ thông tin cá nhân của thành viên, bao gồm: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; số điện thoại và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp người sử dụng Internet dưới 14 tuổi và chưa có chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu, người giám hộ hợp pháp quyết định việc đăng ký thông tin cá nhân của người giám hộ theo quy định tại điểm này để thể hiện sự cho phép và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký đó;

– Thực hiện việc xác thực người sử dụng dịch vụ thông qua tin nhắn gửi đến số điện thoại hoặc đến hộp thư điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ hoặc thay đổi thông tin cá nhân;

– Ngăn chặn hoặc loại bỏ thông tin vi phạm các quy định pháp luật khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

– Thiết lập cơ chế cảnh báo thành viên khi đăng thông tin có nội dung vi phạm (bộ lọc).

Thứ năm, tổ chức, doanh nghiệp phải có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh thông tin và quản lý thông tin đáp ứng yêu cầu:

– Có thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội phù hợp và bao gồm tối thiểu các nội dung: Các nội dung cấm trao đổi, chia sẻ trên mạng xã hội; quyền, trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội; quyền, trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội; cơ chế xử lý đối với thành viên vi phạm thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội; cảnh báo cho người sử dụng các rủi ro khi lưu trữ, trao đổi và chia sẻ thông tin trên mạng; cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa các thành viên mạng xã hội với tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội hoặc với tổ chức, cá nhân khác; công khai việc có hay không thu thập, xử lý các dữ liệu cá nhân của người sử dụng dịch vụ trong thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội; chính sách bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội;

– Bảo đảm người sử dụng phải đồng ý thỏa thuận sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng phương thức trực tuyến thì mới có thể sử dụng được các dịch vụ, tiện ích của mạng xã hội;

– Có cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm pháp luật chậm nhất sau 03 giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan cấp phép (bằng văn bản, điện thoại, email);

– Có biện pháp bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của người sử dụng;

– Bảo đảm quyền quyết định của người sử dụng trong việc cho phép thu thập thông tin cá nhân của mình hoặc cung cấp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác.

5. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội

Theo Điều 25 Nghị định 72/2013/NĐ-CP, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội có quyền và nghĩa vụ sau đây:    

– Cung cấp dịch vụ mạng xã hội cho công cộng trừ các dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật;

– Công khai thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội;

– Có biện pháp bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của người sử dụng; thông báo cho người sử dụng về quyền, trách nhiệm và các rủi ro khi lưu trữ, trao đổi và chia sẻ thông tin trên mạng;

– Bảo đảm quyền quyết định của người sử dụng khi cho phép thông tin cá nhân của mình được cung cấp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác;

– Không được chủ động cung cấp thông tin công cộng có nội dung vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP;

– Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để loại bỏ hoặc ngăn chặn thông tin có nội dung vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP khi có yêu cầu;

– Cung cấp thông tin cá nhân và thông tin riêng của người sử dụng có liên quan đến hoạt động khủng bố, tội phạm, vi phạm pháp luật khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

– Có ít nhất 01 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và giải quyết khiếu nại của khách hàng đối với việc cung cấp dịch vụ theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông;

– Thực hiện việc đăng ký, lưu trữ và quản lý thông tin cá nhân của người thiết lập trang thông tin điện tử cá nhân và người cung cấp thông tin khác trên mạng xã hội theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Bảo đảm chỉ những người đã cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân theo quy định mới được thiết lập trang thông tin điện tử cá nhân hoặc cung cấp thông tin trên mạng xã hội;

– Báo cáo theo quy định và chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ mỗi năm một lần và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Thời hạn báo cáo: Tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang mạng xã hội có trách nhiệm gửi báo cáo trước ngày 15 tháng 01 hàng năm.

Xem mẫu: Báo cáo tình hình thực hiện giấy phép thiết lập mạng xã hội trên mạng

5. Thủ tục cấp Giấy phép thiết lập mạng xã hội

Thủ tục cấp giấy phép thiết lập mạng xã hội được quy định cụ thể tại Khoản 14 Điều 1 Nghị định 27/2018/NĐ-CP.

Xem thủ tụcCấp giấy phép thiết lập mạng xã hội

6. Một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình hoạt động mạng xã hội

6.1. Hành vi vi phạm, xử phạt

Đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến mạng xã hội, các hành vi được liệt kê dưới đây sẽ bị xử lý vi phạm hành chính:

(i) Căn cứ điểm d Khoản 1 Điều 44 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” hoặc không lưu giữ thông tin tại hệ thống máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam đối với báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp hoặc cổng thông tin điện tử và mạng xã hội thuộc đối tượng cấp phép.”

(ii) Căn cứ Khoản 1 Điều 98 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không làm thủ tục đề nghị cấp lại Giấy phép thiết lập mạng xã hội trong trường hợp bị mất hoặc bị hư hỏng hoặc sử dụng giấy phép thiết lập mạng xã hội hết hạn;

b) Không thông báo đến cơ quan cấp giấy phép khi có sự thay đổi chủ sở hữu, địa chỉ trụ sở chính.”

(iii) Căn cứ Khoản 2 Điều 98 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không làm thủ tục đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung Giấy phép thiết lập mạng xã hội theo quy định trong trường hợp có thay đổi hoặc bổ sung thông tin trong giấy phép.”

(iv) Căn cứ Khoản 3 Điều 98 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi thiết lập mạng xã hội nhưng không có giấy phép.”

(v)  Căn cứ Khoản 1 Điều 100 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Công khai không đầy đủ thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội trên trang chủ của mạng xã hội;

b) Không có biện pháp bảo vệ bí mật thông tin riêng hoặc thông tin cá nhân của người sử dụng;

c) Không thông báo cho người sử dụng về quyền, trách nhiệm, rủi ro khi lưu trữ trao đổi, chia sẻ thông tin trên mạng;

d) Không bảo đảm quyền quyết định của người sử dụng khi cho tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội cung cấp thông tin cá nhân của họ cho bên thứ ba;

đ) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc đăng ký, lưu trữ và quản lý thông tin cá nhân của người thiết lập trang thông tin điện tử cá nhân và người cung cấp thông tin khác trên mạng xã hội theo quy định;

g) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thời hạn chế độ báo cáo định kỳ hoặc không thực hiện báo cáo đột xuất hoặc nội dung báo cáo không trung thực.”.

(vi) Căn cứ Khoản 2 Điều 100 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên mạng xã hội nhưng chưa được sự đồng ý của cá nhân đó;

b) Không cung cấp thông tin cá nhân hoặc thông tin riêng của người sử dụng có liên quan đến hoạt động khủng bố, tội phạm, vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Không có hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc giải quyết khiếu nại của khách hàng đối với việc cung cấp dịch vụ theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông;

d) Không thực hiện lưu trữ các thông tin về tài khoản, thời gian đăng nhập, đăng xuất, địa chỉ IP của người sử dụng và nhật ký xử lý thông tin được đăng tải theo quy định;

đ) Vi phạm một trong các điều kiện về nhân sự, tên miền, kỹ thuật, quản lý nội dung thông tin;

e) Không công khai thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội trên trang chủ;

g) Không cung cấp thông tin về tên của tổ chức quản lý mạng xã hội, tên cơ quan chủ quản (nếu có), địa chỉ liên lạc, thư điện tử, số điện thoại liên hệ, tên người chịu trách nhiệm quản lý nội dung, số giấy phép, ngày tháng năm cấp, cơ quan cấp phép trên trang chủ của mạng xã hội.

h) Cung cấp dịch vụ không đúng với quy định tại Giấy phép thiết lập mạng xã hội;
i) Chủ động cung cấp đường dẫn đến trang thông tin điện tử hoặc ứng dụng có nội dung vi phạm pháp luật.”.

(vii) Căn cứ Khoản 3 Điều 100 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

b) Chủ động cung cấp thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

c) Chủ động cung cấp thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;

d) Chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;

đ) Chủ động lưu trữ, truyền đưa nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước;

e) Chủ động đăng, phát, truyền đưa, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia;

g) Chủ động đăng, phát các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc không được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;

h) Chủ động quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm;

i) Không thực hiện việc ngăn chặn, loại bỏ thông tin vi phạm theo quy định pháp luật.”

Ngoài hình thức xử phạt tiền, đối với từng hành vi cụ thể, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội có thể bị áp hình thức xử phạt bổ xung và các biện pháp khắc phục hậu quả.

6.2. Trường hợp thu hồi giấy phép

Trong quá trình hoạt động mạng xã hội, doanh nghiệp chủ sở hữu mạng xã hội cần lưu ý tuân thủ đúng các quy định của pháp luật nếu không sẽ bị thu hồi giấy phép. Căn cứ điểm d Khoản 7 Điều 1 Nghị định 27/2018/NĐ-CP quy định về các trường hợp thu hồi giấy phép thiết lập mạng xã hội, cụ thể: Cơ quan cấp phép thu hồi giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tng hợp, giy phép thiết lập mạng xã hội khi tổ chức, doanh nghiệp vi phạm quy định tại điểm a, b, c Khoản 1 Điều 5 Nghị định này hoặc hai lần bị đình chỉ giấy phép theo quy định tại Khoản 11 Điều này.”.

Mọi thắc mắc, nhu cầu tư vấn liên quan đến dịch vụ xin cấp Giấy phép thiết lập mạng xã hội và các dịch vụ pháp lý khác có liên quan, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH CBI để được hỗ trợ.

[vc_row][vc_column width=”1/2″]

Lỗi: Không tìm thấy biểu mẫu liên hệ.

[/vc_column][vc_column width=”1/2″][miako-vc-contact-info title=”THÔNG TIN LIÊN HỆ” company_description=”Công ty Luật TNHH CBI chuyên tư vấn về pháp lý doanh nghiệp, đầu tư và được đánh giá là một trong những công ty luật uy tín tại Việt Nam.” address=”87A đường Hàm Nghi, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.” phone=”+ (84) 28 3979 8855″ email=”info@cbilaw.vn” fax=””][/vc_column][/vc_row]

Leave a Reply