info@cbilaw.vn
+ (84) 028 3979 8855

Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng

Ngày nay, mạng viễn thông, mạng máy tính ngày càng phát triển, cùng với đó là sự tăng cao về nhu cầu giải trí, nhất là đối với các trò chơi điện tử trên mạng. Do đó, việc tham gia đầu tư kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng của các doanh nghiệp cũng có xu hướng tăng. Đối với trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G1), các doanh nghiệp phải được cấp phép cung cấp dịch vụ trò chơi này trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh. Bài viết dưới đây sẽ thông tin đến quý độc giả cụ thể hơn về vấn đề này theo quy định pháp luật hiện hành.

Ảnh minh hoạ

1. Thế nào là dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng?

Căn cứ Khoản 9 Điều 3 Nghị định 72/2013/NĐ-CPDịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (gọi tắt là dịch vụ trò chơi điện tử) là việc cung cấp cho người chơi khả năng truy nhập vào mạng và chơi các trò chơi điện tử trên mạng.

Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 31 Nghị định 72/2013/NĐ-CP, dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng được phân loại theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ, bao gồm:

– Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G1);

– Trò chơi điện tử chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G2);

– Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G3);

– Trò chơi điện tử được tải về qua mạng, không có sự tương tác giữa người chơi với nhau và giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G4).

Như vậy, Dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng là việc cung cấp cho người chơi khả năng truy nhập vào mạng và chơi trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp.

2. Căn cứ pháp lý liên quan đến trò chơi điện tử G1 trên mạng

– Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;

– Nghị định 27/2018/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;

– Nghị định 150/2018/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông;

– Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử;

– Nghị định 14/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

3. Điều kiện cấp phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng

Căn cứ Khoản 2 Điều 31 Nghị định 72/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ trò chơi G1 khi có Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản đối với từng trò chơi điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.

3.1 Điều kiện cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng

Căn cứ Khoản 1 Điều 32 Nghị định 72/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 18 Điều 1 Nghị định 27/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng khi có đủ các điều kiện sau đây:

– Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, có ngành nghề cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng đã được đăng tải trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia của doanh nghiệp;

– Đã đăng ký tên miền sử dụng để cung cấp dịch vụ;

– Có đủ khả năng tài chính, kỹ thuật, nhân sự phù hợp với quy mô hoạt động và theo quy định tương ứng tại Điều 32a, 32b Nghị định 72/2013/NĐ-CP được bổ sung bởi Khoản 19, 20 Điều 1 Nghị định 27/2018/NĐ-CP;

– Có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin.

Theo đó, các điều kiện về tổ chức, nhân sự, kỹ thuật cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 được quy định cụ thể tại Điều 32a, 32b Nghị định 72/2013/NĐ-CP được bổ sung bởi Khoản 19, 20 Điều 1 Nghị định 27/2018/NĐ-CP, Điểm b Khoản 3 Điều 2 Nghị định 150/2018/NĐ-CP như sau:

a. Điều kiện về tổ chức, nhân sự cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1

– Có trụ sở chính với địa chỉ và số điện thoại liên hệ rõ ràng và liên hệ được.

– Có ít nhất 01 nhân sự quản trị trò chơi điện tử.

b. Điều kiện về kỹ thuật cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1

– Hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử cho tất cả các trò chơi của doanh nghiệp bảo đảm đáp ứng các điều kiện sau:

+ Có khả năng lưu trữ, cập nhật đầy đủ thông tin cá nhân của người chơi bao gồm: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; địa chỉ đăng ký thường trú; số chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp người chơi dưới 14 tuổi và chưa có chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu, người giám hộ hợp pháp của người chơi quyết định việc đăng ký thông tin cá nhân của người giám hộ để thể hiện sự đồng ý và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký đó;

+ Hệ thống quản lý thanh toán cho các trò chơi điện tử của doanh nghiệp phải đặt tại Việt Nam và kết nối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh toán của Việt Nam, bảo đảm cập nhật, lưu trữ chính xác, đầy đủ và cho phép người chơi có thể tra cứu được thông tin chi tiết về tài khoản thanh toán của mình;

+ Quản lý thời gian chơi của người chơi từ 00h00 đến 24h00 hàng ngày và bảo đảm tổng thời gian chơi tất cả các trò chơi điện tử G1 của một doanh nghiệp đối với mỗi người chơi dưới 18 tuổi không quá 180 phút trong 24 giờ mỗi ngày;

+ Hiển thị liên tục được kết quả phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi đối với tất cả các trò chơi do doanh nghiệp cung cấp khi giới thiệu, quảng cáo trò chơi, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử; có thông tin khuyến cáo với nội dung “Chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe” tại vị trí dễ nhận biết ở diễn đàn của trò chơi và trên màn hình thiết bị của người chơi trong suốt quá trình chơi.

– Có phương án bảo đảm chất lượng dịch vụ, bảo đảm quyền lợi của người chơi.

– Có biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý nội dung diễn đàn trò chơi (nếu có), tuân thủ theo quy định tại khoản 2 Điều 23d Nghị định 72/2013/NĐ-CP được bổ sung bởi Khoản 11 Điều 1 Nghị định 27/2018/NĐ-CP:

2. Điều kiện về quản lý thông tin đối với mạng xã hội:

a) Có thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội phù hợp theo các quy định tại điểm đ Khoản 2 Điều 23 đ Nghị định này và được đăng tải trên trang chủ của mạng xã hội;

b) Bảo đảm người sử dụng phải đồng ý thỏa thuận sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng phương thức trực tuyến thì mới có thể sử dụng được các dịch vụ, tiện ích của mạng xã hội;

c) Có cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm Khoản 1 Điều 5 Nghị định này chậm nhất sau 03 giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan cấp phép (bằng văn bản, điện thoại, email);

d) Có biện pháp bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của người sử dụng;

đ) Bảo đảm quyền quyết định của người sử dụng trong việc cho phép thu thập thông tin cá nhân của mình hoặc cung cấp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác.”

– Có phương án dự phòng về thiết bị và kết nối, phương án sao lưu dữ liệu để bảo đảm an toàn hệ thống khi có sự cố xảy ra.

– Có phương án bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và bí mật thông tin cá nhân của người chơi.

3.2 Điều kiện cấp Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử G1 trên mạng

Căn cứ Điều 32c Nghị định 72/2013/NĐ-CP được bổ sung bởi Khoản 21 Điều 1 Nghị định 27/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp được cấp Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử G1 khi có đủ các điều kiện sau đây:

– Có Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử còn thời hạn tối thiểu 01 năm;

– Nội dung, kịch bản trò chơi điện tử không vi phạm các quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP; không có các hình ảnh, âm thanh miêu tả cụ thể hành động giết người, tra tấn người, kích động bạo lực, thú tính, khiêu dâm, dung tục, trái với truyền thống đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, xuyên tạc, phá hoại truyền thống lịch sử, vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, kích động tự tử, sử dụng ma túy, uống rượu, hút thuốc, đánh bạc, khủng bố, ngược đãi, xâm hại, buôn bán, phụ nữ, trẻ em và các hành vi có hại hoặc bị cấm khác;

– Trò chơi điện tử có kết quả phân loại theo độ tuổi phù hợp với nội dung, kịch bản trò chơi theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 31a Nghị định 72/2013/NĐ-CP được bổ sung bởi Khoản 17 Điều 1 Nghị định 27/2018/NĐ-CP:

Điều 31a. Phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi

1. Trò chơi điện tử được phân loại theo các độ tuổi như sau:

a) Trò chơi điện tử dành cho người lớn (từ 18 tuổi trở lên, ký hiệu là 18+) là trò chơi có hoạt động đối kháng có sử dụng vũ khí; không có hoạt động, âm thanh, hình ảnh khiêu dâm;

b) Trò chơi điện tử dành cho thiếu niên (từ 12 tuổi trở lên, ký hiệu là 12+) là trò chơi có hoạt động đối kháng, chiến đấu có sử dụng vũ khí nhưng hình ảnh vũ khí không nhìn được cận cảnh, rõ ràng; tiết chế âm thanh va chạm của vũ khí khi chiến đấu; không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người;

c) Trò chơi điện tử dành cho mọi lứa tuổi (ký hiệu là 00+) là những trò chơi mô phỏng dạng hoạt hình; không có hoạt động đối kháng bằng vũ khí; không có hình ảnh, âm thanh ma quái, kinh dị, bạo lực; không có hoạt động, âm thanh, hình ảnh nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người.

2. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trong việc phân loại trò chơi theo độ tuổi:

a) Tự phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Thể hiện kết quả phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi trong hồ sơ đề nghị phê duyệt nội dung, kịch bản đối với trò chơi điện tử G1, trong hồ sơ thông báo cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3 và G4. Việc phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi là một trong các nội dung được thẩm định của trò chơi điện tử G1;

c) Thể hiện kết quả phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi ở vị trí phía trên, góc bên trái của khung quảng cáo và màn hình thiết bị trong khi người chơi sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử.”

– Có biện pháp quản lý thông tin tài khoản của người chơi đáp ứng yêu cầu sau đây:

+ Kết nối trực tiếp đồng bộ với hệ thống quản lý thông tin cá nhân của người chơi;

+ Kết nối trực tiếp đồng bộ với hệ thống thanh toán dịch vụ trò chơi chung của doanh nghiệp;

+ Lưu trữ đầy đủ, cập nhật liên tục, chính xác thông tin về quá trình sử dụng dịch vụ của người chơi bao gồm: Tên tài khoản, thời gian sử dụng dịch vụ, các thông tin có liên quan đến việc sở hữu vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng của người chơi.

4. Thủ tục cấp phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng

Để được cấp phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng, doanh nghiệp phải thực hiện các bước sau:

Bước 1: Xin cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng. Hồ sơ, trình tự thực hiện bước này được quy định tại Điều 32d, 32đ Nghị định 72/2013/NĐ-CP được bổ sung bởi Khoản 22, 23 Điều 1 Nghị định 27/2018/NĐ-CP, trong đó một số thành phần hồ sơ đã được bãi bỏ bởi điểm d, đ Khoản 5 Điều 2 Nghị định 150/2018/NĐ-CP.

Xem chi tiết thủ tục tại đây: Cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng

Bước 2: Xin cấp Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản đối với từng trò chơi điện tử G1 trên mạng. Hồ sơ, trình tự thực hiện bước này được quy định tại Điều 32g, 32h Nghị định 72/2013/NĐ-CP được bổ sung bởi Khoản 25, 26 Điều 1 Nghị định 27/2018/NĐ-CP.

Xem chi tiết thủ tục tại đây: Cấp quyết định phê duyệt nội dung kịch bản trò chơi điện tử G1 trên mạng

5. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng

Căn cứ Điều 34 Nghị định 72/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng có quyền và nghĩa vụ sau đây:

– Được thuê đường truyền dẫn của doanh nghiệp viễn thông để kết nối hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ đến mạng viễn thông công cộng;

– Có ít nhất 01 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và giải quyết khiếu nại của khách hàng đối với việc cung cấp dịch vụ theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông;

– Thiết lập trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử bao gồm đầy đủ các thông tin sau đây:

+ Phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi đối với từng trò chơi;

+ Quy tắc của từng trò chơi điện tử;

+ Các quy định quản lý thông tin, quản lý hoạt động của trò chơi điện tử;

+ Các quy tắc về giải quyết khiếu nại, tranh chấp quyền lợi phát sinh giữa người chơi và doanh nghiệp, giữa người chơi với người chơi.

– Áp dụng các biện pháp hạn chế tác động tiêu cực của trò chơi do doanh nghiệp cung cấp, bao gồm:

+ Cung cấp thông tin về trò chơi đã được phê duyệt nội dung, kịch bản đối với trò chơi G1 trong các chương trình quảng cáo, trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp và trong từng trò chơi bao gồm tên trò chơi, phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi và khuyến cáo về những tác động ngoài mong muốn về thể chất, tinh thần có thể xảy ra đối với người chơi;

+ Đối với trò chơi G1 thực hiện đăng ký thông tin cá nhân của người chơi và áp dụng biện pháp hạn chế giờ chơi đối với trẻ em, người chơi dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông;

– Bảo đảm quyền lợi chính đáng của người chơi theo đúng quy tắc của trò chơi điện tử đã công bố; chịu trách nhiệm về giá cước, chất lượng dịch vụ, an toàn thông tin; giải quyết khiếu nại và các tranh chấp phát sinh giữa người chơi và doanh nghiệp, giữa người chơi với người chơi;

– Tuân thủ quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về vật phẩm ảo (hình ảnh đồ họa của một đồ vật, một nhân vật theo quy tắc nhất định do nhà sản xuất trò chơi điện tử đó thiết lập) và điểm thưởng (hình thức thưởng tương đương cách tính điểm mà người chơi nhận được trong quá trình tham gia trò chơi điện tử trên mạng);

– Trường hợp ngừng cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử, phải thông báo trên trang thông tin điện tử cung cấp trò chơi điện tử tối thiểu 90 ngày trước ngày dự kiến ngừng cung cấp dịch vụ; có các giải pháp bảo đảm quyền lợi của người chơi; báo cáo bằng văn bản với Bộ Thông tin và Truyền thông về các nội dung này 15 ngày trước ngày chính thức ngừng cung cấp dịch vụ;

– Triển khai các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý nội dung hội thoại giữa các người chơi theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông;

– Không được quảng cáo trò chơi điện tử chưa được phê duyệt nội dung, kịch bản đối với trò chơi G1 trên các diễn đàn, trang thông tin điện tử của tổ chức, doanh nghiệp, các loại hình báo chí và phương tiện thông tin đại chúng khác;

– Nộp lệ phí cấp phép và phí thẩm định nội dung, kịch bản trò chơi G1;

– Thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông;

– Chịu sự thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

6. Một số vấn đề cần lưu ý khi cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng

Về thời hạn Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng, theo quy định tại Khoản 2 Điều 32 Nghị định 72/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 18 Điều 1 Nghị định 27/2018/NĐ-CP, Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng có thời hạn theo đề nghị của doanh nghiệp, nhưng tối đa không quá 10 năm.

Theo đó, Khoản 8 Điều 32e Nghị định 72/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 24 Điều 1 Nghị định 27/2018/NĐ-CP quy định: “Trước khi giấy phép hết hiệu lực nhưng doanh nghiệp chưa thể hoàn thành thủ tục cấp lại thì phải thực hiện thủ tục gia hạn nếu doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tiếp tục hoạt động. Mỗi giấy phép chỉ được gia hạn 01 lần, mỗi lần không quá 01 năm”.

Như vậy, trước khi Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng hết hạn, doanh nghiệp phải có trách nhiệm hoàn thành thủ tục cấp lại Giấy phép (thực tế là thực hiện thủ tục cấp mới Giấy phép). Trường hợp chưa thể hoàn thành thủ tục cấp lại thì phải thực hiện thủ tục gia hạn Giấy phép như trên nếu doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tiếp tục hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1.

Xem thủ tục: Gia hạn giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng

Về việc xử phạt vi phạm hành chính khi vi phạm quy định về giấy phép, giấy chứng nhận đăng ký, quyết định phê duyệt nội dung kịch bản trò chơi điện tử trên mạng, Điều 103 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được bổ sung bởi Điểm a, b Khoản 38 Điều 1, Khoản 1 Điều 3 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không làm thủ tục đề nghị cấp lại theo quy định đối với một trong các loại văn bản sau:

– Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1;

– Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử G1;

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa làm thay đổi nội dung hoặc kê khai không trung thực để được cấp một trong các loại văn bản sau:

– Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1;

– Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử G1;

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung một trong các văn bản sau:

– Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1;

– Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử G1;

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

– Thay đổi địa chỉ trụ sở chính, văn phòng giao dịch, địa chỉ đặt hoặc cho thuê máy chủ nhưng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn bằng văn bản đến Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông;

– Thay đổi cơ cấu tổ chức, phần vốn góp dẫn đến thay đổi thành viên góp vốn (hoặc cổ đông) có phần vốn góp từ 30% vốn điều lệ trở lên nhưng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn bằng văn bản đến Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông;

– Thực hiện không đúng quy định tại Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng.

5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 khi Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 đã hết hiệu lực.

6. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 khi không có Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử G1.

7. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 170.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 khi không có Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng.

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

– Tước quyền sử dụng Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại mục 6 nêu trên;

– Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các mục 6 và 7 nêu trên;

9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các mục 6 và 7 nêu trên;

– Buộc thu hồi tên miền do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại mục 6 và 7 nêu trên.

– Buộc nộp lại Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại mục 2 nêu trên;

– Buộc nộp lại Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử G1 cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các mục 1, 2 và 3 nêu trên.

Có thể bạn quan tâm:

– Điều kiện kinh doanh trò chơi điện tử (trừ kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài và kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng trên mạng)

– Điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài

Mọi thắc mắc, nhu cầu tư vấn liên quan đến dịch vụ thực hiện thủ tục cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng mới nhất và các dịch vụ pháp lý khác có liên quan, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH CBI để được hỗ trợ.

[vc_row][vc_column width=”1/2″]

Lỗi: Không tìm thấy biểu mẫu liên hệ.

[/vc_column][vc_column width=”1/2″][miako-vc-contact-info title=”THÔNG TIN LIÊN HỆ” company_description=”Công ty Luật TNHH CBI chuyên tư vấn về pháp lý doanh nghiệp, đầu tư và được đánh giá là một trong những công ty luật uy tín tại Việt Nam.” address=”87A đường Hàm Nghi, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.” phone=”+ (84) 28 3979 8855″ email=”info@cbilaw.vn” fax=””][/vc_column][/vc_row]

Leave a Reply