info@cbilaw.vn
+ (84) 028 3979 8855

Thủ tục cấp Giấy phép bán lẻ rượu mới nhất

Hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp các quầy kệ rượu được bày bán phổ biến như rượu Vodka, Gin, Tequila, … tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng 24h, hay các cửa hàng bán lẻ khác, Rượu là mặt hàng thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do đó thương nhân cần phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép bán lẻ rượu trước khi tiến hành kinh doanh bán lẻ sản phẩm này. Vậy thủ tục xin cấp Giấy phép cấp bán lẻ rượu được quy định như thế nào, và doanh nghiệp cần đáp ứng những điều kiện gì? Hãy cùng Bách Khoa Luật tìm hiểu quy định hiện hành của pháp luật theo bài viết dưới đây.

Ảnh minh hoạ

1. Bán lẻ rượu là gì?

– Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 quy định về khái niệm rượu như sau: “Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ một hoặc hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm tinh bột của ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa, củ, quả hoặc là đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm.”

– Căn cứ Khoản 7 Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định về khái niệm bán lẻ như sau: “Bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng.”

Từ các căn cứ trên, có thể hiểu khái niệm Bán lẻ rượu là hoạt động bán đồ uống có cồn thực phẩm cho các nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng.

2. Căn cứ pháp lý liên quan đến bán lẻ rượu

– Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019;

– Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu;

– Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước;

 Nghị định 09/2018/NĐ-CP về quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế  có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

3. Điều kiện để bán lẻ rượu

Căn cứ theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 Nghị định 105/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 1 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP quy định như sau:

1. Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh rượu phải tuân thủ các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quy định tại Nghị định này.

2. Thương nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải có giấy phép; thương nhân bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ, thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ phải đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện; hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất.

Theo đó:

Đối với rượu có độ cồn dưới 5,5 độ: Thương nhân bán lẻ rượu phải là Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật và tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Đồng thời, thương nhân chỉ phải đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi thương nhân đặt trụ sở chính trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh theo Mẫu số 14 Mục II tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 17/2020/NĐ-CP. Trường hợp có thay đổi nội dung đã đăng ký phải thực hiện đăng ký bổ sung. (Điều 31b Nghị định 105/2017/NĐ-CP được bổ sung bởi Khoản 23 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP)

Đối với rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải xin cấp Giấy phép bán lẻ rượu. Ngoài ra cần phải đáp ứng cácđiều kiện quy định tại Điều 13 Nghị Định 105/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Khoản 5 Điều 17 Nghị định 17/2020/NĐ-CP cụ thể gồm có:

– Thứ nhất, là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.

– Thứ hai, có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng.

– Thứ ba, có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu.

Như vậy, thương nhân muốn kinh doanh bán lẻ rượu cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định trên.

4. Hồ sơ cấp Giấy phép bán lẻ rượu

Thương nhân thực hiện thủ tục cấp Giấy phép bán lẻ rượu cần chuẩn bị hồ sơ để nộp đến cơ quan có thẩm quyền. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bán lẻ rượu tại Điều 23 Nghị định 105/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi khoản 9 Điều 17 Nghị định 17/2020/NĐ-CP gồm có:

– Đơn đề nghị cấp Giấy phép bán lẻ rượu theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định 17/2020/NĐ-CP.

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh.

– Bản sao hợp đồng thuê/mượn hoặc tài liệu chứng minh quyền sử dụng hợp pháp cơ sở dự kiến làm địa điểm bán lẻ.

– Bản sao văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu.

5. Thủ tục cấp Giấy phép bán lẻ rượu

Thương nhân đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên thực hiện thủ tục cấp Giấy phép bán lẻ rượu theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Nghị định 105/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 19 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP.

Xem thủ tục chi tiết tại đây:

– Cấp giấy phép bán lẻ rượu

– Cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép bán lẻ rượu

– Cấp lại giấy phép bán lẻ rượu

6. Một số lưu ý sau khi được cấp Giấy phép bán lẻ rượu

Sau khi được cấp Giấy phép bán lẻ rượu, thương nhân cần lưu ý những vấn đề như sau:

Thứ nhất, quyền và nghĩa vụ thương nhân bán lẻ rượu được quy định tại Khoản 1 (được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 10 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP) và Khoản 4 Điều 18 Nghị định 105/2017/NĐ-CP như sau:

– Mua, bán rượu có nguồn gốc hợp pháp;

– Niêm yết bản sao hợp lệ giấy phép đã được cơ quan có thẩm quyền cấp tại các địa điểm bán rượu của thương nhân và chỉ được mua, bán rượu theo nội dung ghi trong giấy phép đã được cấp;

– Thực hiện chế độ báo cáo và các nghĩa vụ khác theo quy định tại Nghị định này;

– Mua rượu từ thương nhân sản xuất rượu trong nước, thương nhân phân phối rượu, thương nhân bán buôn rượu theo nội dung ghi trong Giấy phép;

– Bán rượu cho thương nhân bán rượu tiêu dùng tại chỗ hoặc bán trực tiếp cho người mua tại các địa điểm kinh doanh của thương nhân theo nội dung ghi trong Giấy phép.

Thứ hai, đối với rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên, trước ngày 20 tháng 01 hằng năm, thương nhân bản lẻ rượu có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh rượu năm trước của đơn vị mình về cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép theo Mẫu số 08Mẫu số 09 Mục II tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 17/2020/NĐ-CP.

Thứ ba, theo Điều 33 Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định rõ về việc thu hồi Giấy phép. Theo đó, Giấy phép bán lẻ rượu có thể bị thu hồi trong các trường hợp sau:

– Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp;

– Không đáp ứng đủ hoặc không thực hiện đúng các điều kiện quy định;

– Chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh;

– Giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền;

– Thương nhân đã được cấp Giấy phép nhưng không hoạt động theo thời gian 12 tháng liên tục;

Cũng cần lưu ý, Cơ quan nhà nước cấp phép có thẩm quyền thu hồi Giấy phép bán lẻ rượu đã cấp.

Cuối cùng, thời hạn của Giấy phép bán lẻ rượu là 05 năm theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 28 Nghị định 105/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 20 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP. Và theo Khoản 1 Điều 27 Nghị định 105/2017/NĐ-CP thương nhân phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép trước thời hạn hết hiệu lực của giấy phép 30 ngày.

Có thể bạn quan tâm:

– Thủ tục cấp Giấy phép phân phối rượu cần biết

– Thủ tục nhập khẩu rượu mới nhất cần biết

– Thủ tục cấp Giấy phép bán buôn rượu cần biết

– 09 địa điểm không được uống rượu, bia kể từ ngày 01/01/2020;

– Bán rượu bia theo hình thức thương mại điện tử, DN cần lưu ý gì?

Nguồn: https://bachkhoaluat.vn/cam-nang/16405/thu-tuc-cap-giay-phep-ban-le-ruou-moi-nhat

Leave a Reply